Thánh Giuse – mẫu gương lao động

THÁNH GIUSE – MẪU GƯƠNG LAO ĐỘNG

Tin Mừng theo Thánh Matthêu

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”. Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin[1].

Suy niệm

Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Giuse thợ, bổn mạng của giới công nhân và người lao động. Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập vào năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang cho lao động một chiều kích Kitô giáo. Thật vậy, khuôn mặt Thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiaret, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Thánh Giuse là gương mẫu của người lao động. Ngài còn là vị Giám hộ của những người làm việc chân tay, vị Giám hộ đắc lực nhất, như lời Đức Thánh Cha Piô XII nói: “Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc âm cho đời sống thợ thuyền bằng thánh Giuse thợ”. Thánh Avila cũng đã cảm nghiệm sâu sắc về vai trò của thánh Giuse, Ngài viết: “…Trên trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin…” Qủa thật, khi viết về thánh Giuse, chúng ta như có cái gì đó thật ngỡ ngàng về con người trầm lắng của Ngài.

Trình thuật Tin mừng theo thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian hoạt động ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét và giảng dạy trong hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất xứ của Ngài. Tại quê nhà Nagiarét, Chúa Giêsu bị người đồng hương xem thường, nhưng họ vẫn phải công nhận Người là con của bác thợ Giuse và bà Maria. Qua thánh Giuse, cậu bé Giêsu đã được sinh ra trong dòng tộc của vua Đavít, trong một gia đình trần thế, có cha có mẹ. Theo văn hóa Do Thái, người mẹ chính là người thầy đầu tiên của con trẻ. Người mẹ sẽ dạy cho con gái nề nếp gia phong, học biết cách làm vợ đảm đang dịu hiền, còn con trai thì theo cha để được truyền thụ những kiến thức về tôn giáo, về xã hội và kinh nghiệm sống. Thánh Giuse cũng dạy con mình biết lao động bằng nghề thợ mộc chân chính, nuôi sống bản thân và gia đình. Thánh Giuse là một người thợ gương mẫu đã chu toàn trách nhiệm làm chủ gia đình Nagiaret, tận tụy chăm sóc mẹ Maria và dưỡng dục Chúa Giêsu. Ngài đã được chọn để xây nền đức tin cho dân Chúa vốn đã bị mất định hướng vì tội lỗi. Quả thật, Thánh Giuse là mẫu gương cho người Kitô hữu noi theo để chu toàn bổn phận trong mọi ngành nghề, vì Người đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng đem lại niềm vui lớn lao. Lao động phục vụ con người, giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa. Việc lao động của con người nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Làm việc, lao động tất cả đều khởi đi từ Thiên Chúa, Đấng hoạt động, làm việc không ngưng nghỉ như lời minh định của Đức Giêsu: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”[2]. Thiên Chúa là Đấng lao động và thực hiện công việc của Ngài  với mục đích duy nhất là bầy tỏ và trao ban tình yêu. Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha.

Thánh Giuse thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói: “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, Hãy đến cùng Thánh Giuse”[3].

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, công chính trong tinh thần đón nhận và chiêm niệm, khiêm tốn và nghèo khó. Trải qua biết bao khó khăn, Ngài vẫn điềm tĩnh, vẫn can đảm đối diện và kiên tâm vượt qua. Ngài đã vượt qua tất cả nhờ niềm tin và lòng quảng đại của Ngài. Ngài luôn tin tưởng vào người bạn đính hôn để đón nhận cô về nhà mình. Ngài luôn tin tưởng vào bản thân để vượt lên trên mọi gian nan, thử thách hầu giữ vững hạnh phúc gia đình. Nhưng trên hết mọi sự, đó là niềm tin trung kiên vào Thiên Chúa. Ngài không ngã lòng, không xao xuyến trong giông tố cuộc đời. Ngài vẫn tin vào quyền năng Thiên Chúa đến mức độ Ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thánh Giuse, dưới lớp áo lao động bạc màu, là cả một tâm hồn cao khiết. Với đôi tay chăm chỉ cần mẫn và một trái tim trung thành bất chấp mọi gian lao, thánh nhân không đòi hỏi gì cho riêng mình: không tiền bạc, không danh vọng, chỉ thiết tha chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Nơi xóm làng Nagiarét, thánh Giuse chọn một nghề bình thường để nuôi sống gia đình và đã được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật là ‘Bác Thợ Mộc’.

Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho mọi hoạt động vì ngài đã thực hành điều chính yếu trong cuộc đời. Dù đôi tay có chai sần vì công việc của người thợ mộc, dù phải bôn ba trong nghịch cảnh, dù sống trong cảnh nghèo nhưng niềm vui Nước Trời đã thành sự nơi trần thế. Mỗi hành động của thánh Giuse đều được tuôn trào từ sự vâng phúc thánh ý Chúa. Khi truyền tin, sứ thần Chúa đã trân trọng gọi thánh Giuse là “con cháu Đavít[4]. Vì thế thánh nhân đã hành động như bậc trượng phu, xứng danh là hậu duệ của thánh vương Đavít.

Trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của công đồng Vatican II, Giáo hội khuyên nhủ các tín hữu: “Hãy ra sức vận dụng lao động và óc sáng tạo để làm cho cuộc sống phát triển rộng rãi hơn…Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã được lệnh phải khắc phục trái đất với tất cả những gì nó chứa đựng, phải theo lẽ công minh và đường lối thánh thiện mà quản trị thế giới. Con người nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, thì phải quy hướng bản thân và muôn loài muôn vật về Người, để khi mọi loài đã quy phục con người, thì danh Thiên Chúa được tôn vinh trên toàn cõi đất. Điều này ứng dụng cho cả những công việc thường ngày. Khi con người cả nam lẫn nữ làm ăn nuôi sống mình, nuôi sống gia đình và hoạt động để phục vụ hữu hiệu cho xã hội, thì họ có thể coi lao động là tiếp nối công trình của Tạo Hóa, có quyền kể mình như đang góp phần lo cho anh em được sung túc, đang góp tài năng riêng của mình cho kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn thành trong lịch sử”.

Trong ngày lễ kính thánh Giuse Thợ – Đấng bảo trợ cho tất cả những ai đang ngày đêm làm việc, lao động. Trước tiên, chúng con cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con sự sống, sức khỏe, tri thức để giúp chúng con lao động, làm việc, trước là tạo của ăn nuôi thân, giúp ích cho đời, Chúa mời gọi chúng con cùng cộng tác với Chúa trong chương trình sáng tạo và bảo tồn những gì mà Chúa đã tạo dựng, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã và đang song hành, cùng làm việc với chúng con trong từng ngày sống.

Giữa một thế giới chạy theo do hưởng thụ, hơn bao giờ hết, gương sống của thánh Giuse thật cần thiết để mỗi người chúng ta noi theo. Dù làm công việc gì, chúng ta đều đang cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và văn hóa mời gọi chúng ta khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động, để mang lại một sự ổn định cho xã hội để không một ai bị loại ra bên ngoài. Cung cách phục vụ của thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng chính Con Thiên Chúa khi làm người, đã không coi thường đời sống lao động[5].

Lạy Chúa, càng chiêm ngắm thánh Giuse như mẫu gương cho đời sống lao động cần cù, con càng cảm thấy giật mình. Giật mình vì những biếng nhát, trễ nải trong công việc, trong đời sống thao luyện và nhất là trong đời sống thiêng liêng của con. Sự ươn lười trong con đã kéo ghì mọi sự, khiến đời tu của con không còn sức sống, thiếu động lực, rồi dần dà con cảm thấy lao động như một gánh nặng, lúc nào con cũng cảm thấy quá sức, cảm thấy khó khăn trong mọi sự, con không còn đủ hy sinh tận tụy trong công việc. Có những lúc con tìm cách vun vén cho bản thân mà quên đi nhiệm vụ góp phần thăng tiến cộng đoàn, lo lắng cho sự phát triển của Hội dòng. Xin Chúa giúp con ý thức hơn giá trị và ý nghĩa của lao động, biết đem hết sức lực và khả năng của mình để phục vụ xã hội và Giáo hội. Xin nung nấu trái tim con, để con biết học nơi thánh Giuse, mặc lấy cho mình một con tim yêu mến khi chu toàn những công việc hằng ngày, dù lúc êm xuôi hay khi sóng gió, dù phải đối đầu với biết bao khó khăn, con vẫn không nản lòng, không bỏ cuộc, không than van nhưng luôn từng bước vượt qua những thăng trầm của cuộc đời, tin tưởng phó thác cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và bước tiếp những bước thật dài trong tin yêu và hy vọng.

M.Thérèse Mỹ Dung, Fmsr

[1] Mt 13, 54 – 58

[2] Ga 5, 17

[3] x. St 41, 44

[4] Mt 1, 20

[5] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Patris Corde, 6.

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời