Trong lịch sử, khi nói về tâm lý học, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh tâm lý, những rối loạn hay những điểm chưa cân bằng của một người. Khi ai đó hỏi tôi học về ngành gì, tôi cho họ biết tôi học về tâm lý, họ liền tránh xa tôi. Bởi vì, không sai, nhiều người nói học tâm lý là tìm xem bạn không bình thường ở đâu, là tìm nguyên nhân tại sao bạn “điên.”
Thật vậy, trong nhiều thập niên qua, ngành tâm lý học theo truyền thống quá tập trung vào bệnh, vào những rối loạn chức năng, những người bị bệnh tâm thần, vào những điểm yếu nơi con người và tìm cách chữa bệnh. Có thể nói rằng, ngành tâm lý học đã cho ra đời những phương pháp chữa trị bằng tâm lý và bằng thuốc, và có khả năng khiến những người khốn khổ bớt khốn khổ hơn. Nhưng, còn những điều không tốt, những hệ quả của việc chỉ chú trọng đến điều trị bệnh thì sao? Khi các nhà tâm lý học chuyên chú nghiên cứu đến nạn nhân và bệnh tật, họ thường quên mất việc giúp cải thiện đời sống của những người bình thường, giúp những người bình thường hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn, sống tích cực hơn.
Đó là lý do khiến nhà tâm lý học và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ – Dr. Martin Seligman, khởi xướng một lãnh vực nghiên cứu khoa học mới vào năm 1998 và được gọi tên là Tâm Lý Học Tích Cực. Đây là môn nghiên cứu khoa học dựa trên quan điểm tích cực như niềm vui, điều tốt, hạnh phúc, thế mạnh cá nhân, lòng can đảm và về những gì tạo nên cuộc sống dễ chịu, gắn kết và ý nghĩa hơn. Đây là một nghiên cứu đối lập với ngành tâm lý học truyền thống vốn chỉ tập trung vào những hành vi không phù hợp hay những suy nghĩ tiêu cực. Tâm lý học tích cực tập trung nghiên cứu xem những người bình thường có thể trở nên hạnh phúc và mãn nguyện với những nền tảng tích cực mà họ đang có, và sống một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Mục tiêu của tâm lý học tích cực là quan tâm đến sức mạnh của con người như nó đã quan tâm đến những điểm yếu; là quan tâm đến việc tạo ra sức mạnh ngang bằng với việc chữa trị tổn thương, là hướng đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống; là quan tâm đến việc làm cho cuộc sống của những người bình thường thêm hạnh phúc và phát triển những tài năng sẵn có. Nói chung, tâm lý học tích cực cung cấp rất nhiều những can thiệp để nuôi dưỡng phát triển, tạo ý nghĩa, phát huy điểm mạnh và xây dựng mối quan hệ với người khác.
Cần lưu ý, tâm lý học tích cực ra đời với chủ trương nghiên cứu về “những gì làm cho cuộc sống đáng sống.” Tuy nhiên, tâm lý học tích cực chưa bao giờ chối bỏ khía cạnh tiêu cực sang một bên hay loại trừ chúng ra khỏi đời sống của con người, mà chỉ muốn xoay quanh một thực tế tự nhiên của nhân loại bao gồm sức mạnh của con người, tìm và hướng đến những điều làm cuộc sống đáng sống, chứ không loại trừ điểm yếu của con người và khả năng phạm tội.
Tâm lý học tích cực có ứng dụng sâu rộng trong tất cả lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt ảnh hưởng đến giáo dục. Lợi ích lớn nhất của tâm lý học tích cực là dạy chúng ta sức mạng của việc thay đổi quan điểm. Chỉ một thay đổi tương đối nhỏ trong quan điểm của một người có thể dẫn đến những thay đổi đáng kinh ngạc về sức khỏe và chất lượng của cuộc sống. Chỉ tiêm một chút lạc quan và lòng biết ơn vào cuộc sống của một người, có thể mang lại cho người đó cái nhìn hoàn toàn tích cực hơn về cuộc sống.
Maidelien, FMSR