TẠI SAO TÔI HÀNH XỬ NHƯ MỘT ĐỨA TRẺ?
Mỗi chúng ta khi chào đời, tâm hồn như một trang giấy trắng. Cha mẹ, anh chị em, thầy cô và những người chung quanh, là những người đầu tiên vẽ lên trang giấy cuộc đời của ta. Tuổi thơ của chúng ta thường hồn nhiên, vô tư, vui vẻ, giản dị và hạnh phúc… Nhưng nếu chúng ta được nuôi dạy không đúng cách, hoặc nếu những sự kiện và hoàn cảnh tiêu cực của môi trường sống tác động, có thể chúng ta bị những chấn thương về tâm lý, làm ta bị tổn thương và gây ra nhiều phiền toái khi ta trưởng thành. Những rắc rối này ngăn trở sự phát triển cá nhân, mang đến những điều bất hạnh trong cuộc sống; đồng thời, nó cũng dễ gây ra những xung đột giữa các cá nhân và thường xuyên làm tăng lên sự mất kiểm soát cảm xúc.
Nhà tâm lý trị liệu Robert Jackman[1] cho rằng: những biến cố và hoàn cảnh tiêu cực xảy đến trong thời thơ ấu thường gây chấn động, hoặc làm xáo trộn cuộc sống của ta, tạo ra những vết thương đóng băng vào thời điểm đó. Chẳng hạn, ta gặp một chấn động tâm lý lúc lên năm tuổi, thì đứa trẻ năm tuổi bị tổn thương ấy luôn ở trong ta, sẵn đó, rối bời và đầy cảnh giác. Sau này, dù ta đã thành người lớn, nhưng mỗi lần bị kích hoạt, đứa trẻ năm tuổi sẽ bước ra cùng với sự phản hồi cảm xúc tổn thương, lấn lướt cả phần người lớn có trách nhiệm trong ta.
«Phần đứa trẻ bên trong» này sẽ khiến ta đưa ra quyết định và phản ứng đầy cảm xúc như một đứa trẻ năm tuổi, với lối tư duy, lời lẽ và cách biểu đạt của lứa tuổi đó. Đó là nguồn gốc của câu bình phẩm thường nghe: “bạn hành xử như một đứa trẻ”. Những phản ứng trẻ con này thường ở ngoài khả năng kiểm soát của ta. Điều đáng lưu ý là mỗi khi nỗi đau tinh thần tái diễn, ta lại có những lựa chọn tiêu cực, và điều này cứ lặp đi lặp lại bao lâu ta chưa nhận thức được đứa trẻ bên trong của mình và chưa được chữa lành.
Trong cuộc sống, nhiều lúc ta cảm thấy tâm trạng của mình thay đổi thất thường mà không hề biết lý do. Theo các nhà tâm lý, đó chính là đứa trẻ bên trong, nó đã bị tổn thương và nó thường xuất hiện mỗi khi được gợi lên, làm ta có cảm giác sợ hãi, lo lắng, tức giận, bất an, buồn tủi, chán nản, cảm giác không an toàn, thiếu niềm vui sống… Bởi những ảnh hưởng tiêu cực của thời thơ ấu, tựa như những vết sẹo khắc sâu trong tâm trí cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện, đẩy ta phản ứng theo nó, nên có khi ta đã là người 30, 40, 50, 60 tuổi… ta vẫn có thể còn hành xử như một đứa trẻ.
Vậy, làm sao ta biết được mình đang có «đứa trẻ bên trong»? Đứa trẻ này thường biểu lộ thế nào?
“Đứa trẻ bên trong” là một phần trong tinh thần/tâm lý của ta, là cách nói ẩn dụ cho một phần tâm trí của mỗi người, là nơi lưu giữ những ký ức, những trải nghiệm và những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua trong thời thơ ấu, tất cả đến từ cách mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên ra sao. Nếu có những tổn thương, thì những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm:
- Cảm xúc:
- Sự tức giận, bực dọc, cáu kỉnh, cứng cỏi, đòi hỏi…
- Buồn tủi vì cảm giác bị bỏ rơi, bị từ chối nên có thái độ tách biệt, lạnh lùng…
- Cảm giác không an toàn, che giấu suy nghĩ, sở thích, chính kiến riêng…
- Quá nhạy cảm tiêu cực, dễ tổn thương, buồn bã…
- Cảm giác tội lỗi, xấu hổ…
- Lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ bản thân, mất bình tĩnh, nhút nhát…
- Bị dồn nén, muốn che đậy cảm xúc để sống sót…
- Mối quan hệ:
- Gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, không biết cách kết nối với thế giới xung quanh…
- Cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi nên không muốn tiếp xúc với ai…
- Cảm thấy không xứng đáng được yêu thương, nên né tránh, trầm cảm, muốn ở một mình…
- Sức khỏe:
- Sức khỏe tinh thần suy giảm, không có động lực…
- Dễ mắc các bệnh về thể chất và tinh thần…
- Đời sống tâm linh: Khó tập trung suy tư và cầu nguyện, khó đối diện với bản thân…
Có một điều mà không phải ai cũng nhận thức được, đó là chúng ta đang bị ảnh hưởng hoặc bị điều khiển bởi đứa trẻ bên trong mình. Với nhiều người, không phải chính họ là người định hướng cho chính mình, mà một đứa trẻ tổn thương ẩn sau một khung hình người lớn làm điều đó. Vì thế, ta cần tìm ra đâu là đứa trẻ bên trong của mỗi người và tìm cách chữa lành. Nếu không, chúng ta sẽ gặp những bất trắc và chật vật trong cuộc sống, trong công việc và trong các mối tương quan.
Ngày nay, việc chữa lành đứa trẻ bên trong đang là một chủ đề rất được nhiều người quan tâm. Có thể nói, thực tế ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhiều bị tổn thương. Đó có thể là sự tổn thương từ lạm dụng thể lý, tâm lý, hoặc tổn thương bắt nguồn từ việc sinh sống và lớn lên trong một gia đình bất ổn, không hạnh phúc. Những điều này vô tình đã khiến cho đứa trẻ bên trong ta có những “vết thương”. Mỗi khi vô tình được gợi lại hay bị kích hoạt bởi một sự kiện nào đó, thì những vết thương này lại rỉ máu, nó làm ta đau đớn bất cứ khi nào, nếu không được nâng đỡ và chữa lành đúng cách.
Robert Jackman nói rằng: ông đã gặp nhiều người với đủ dạng tổn thương và sang chấn tâm lý. Lời khuyên của ông là: nếu bạn cảm thấy tổn thương và đau khổ từ những chuyện mình đã trải qua, hãy luôn nhớ rằng có một phần bên trong bạn luôn lành lặn và nguyên vẹn. Đó là phần nắm giữ chìa khóa của hành trình chữa lành. “Nếu tôi không đầu tư vào chính mình, sẽ chẳng ai khác làm việc đó”.
Sigmund Freud thì nói rằng: tất cả chúng ta đều từng là những đứa trẻ, và cho dù chúng ta có lớn lên về mặt thể chất bên ngoài thì vẫn còn một đứa trẻ tồn tại bên trong mà đa phần đều không hay biết. Đứa trẻ này có rất nhiều khó khăn về hành vi, cảm xúc và khó khăn trong các mối quan hệ.
Đối với người Việt Nam, chúng ta thường che giấu cảm xúc của mình, nên dễ lờ đi những tổn thương tâm lý mà chúng ta đang phải chịu đựng. Chúng ta tự cho rằng mình ổn và có vẻ như trong tâm trí, chúng ta cho là sức khỏe thể chất quan trọng hơn nhiều so với sức khỏe tâm lý. Nhưng thật ra, những khó khăn trong đời sống chung, những tương quan thiếu lành mạnh, những lệch chuẩn trong việc đối nhân xử thế thường là kết quả của sự thiếu trưởng thành, tức là đứa trẻ bên trong, là một phần trong chúng ta không trưởng thành lên được. Vì thế, chúng ta rất cần khám phá và chữa lành những vết thương trong tâm hồn, dù nhiều hay ít, dù lớn hay nhỏ.
Robert Jackman đã đưa ra một hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong trong cuốn “Chữa lành đứa trẻ bên trong của mỗi chúng ta”. Chúng ta sẽ chia sẻ với nhau vào lần tới. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian và nỗ lực, nhưng nó sẽ mang lại cho ta những thay đổi tích cực, giúp chúng ta tận hưởng một cuộc sống vui tươi, lạc quan và đầy sức sống… Bởi vì chúng ta được trưởng thành trọn vẹn và lành mạnh về mặt tinh thần, cảm xúc cũng như trong các mối tương quan.
Maria Rosa Vũ Loan, FMSR
[1] ROBERT JACKMAN, tác giả sách “Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong”. Trần Tuyết dịch, nhà xuất bản Dân Trí.