Sự nhạy bén tâm linh

TÂM THƯ THÁNG 12-2021

SỰ NHẠY BÉN TÂM LINH

Kính thưa toàn thể chị em Mân Côi rất thân mến,

Cuộc sống con người hôm nay có quá nhiều mối bận tâm và lắng lo từ đủ loại công việc. Chúng ta luôn bị xoay vần với các vấn đề cuộc sống, trong tư thế bận rộn và nhộn nhịp nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Tuy rằng thời gian dành cho các việc thiêng liêng vẫn đầy đủ, nhưng có khi vì vội vàng hay mệt mỏi, chúng ta không còn đủ tâm trí, sự bình tâm và sức lực cho những giờ cầu nguyện có chất lượng, từ đó có thể dẫn đến một đời sống thiếu quân bình và không đủ sự nhạy bén trong các vấn đề tâm linh.

Có người cho rằng đời sống tâm linh là việc thực hành tôn giáo, là chu toàn các bổn phận thiêng liêng, là sống ngoan đạo sốt sắng, hoặc xa lánh trần tục… Thật ra, phạm vi của đời sống tâm linh không giới hạn trong việc chu toàn các bổn phận tôn giáo, không đặt cơ sở trên việc tuân giữ những luật lệ, nhưng đúng hơn là một hướng đi thiêng liêng, là sống những giá trị cao đẹp, là khám phá ý nghĩa và mục đích của đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, như sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 1695 đã khẳng định: Chính Thánh Thần của Chúa Con dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha… Ngài còn thúc đẩy chúng ta hành động, để mang lại hoa quả của Thánh Thần (Gl 5, 22) nhờ thực hành đức ái. Khi chữa lành vết thương của tội lỗi, Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm chúng ta bằng sự biến đổi tâm linh. Người soi sáng và củng cố để chúng ta sống như “con cái sự sáng, nhờ sống thánh thiện, công chính và chân thật trong mọi sự (x. Ep 5,8-9)”. Như vậy, đời sống tâm linh là đời sống hướng về Thiên Chúa và những giá trị thánh thiêng, cao cả, tốt đẹp, chân thật dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, là Người đóng vai trò chủ động trong việc thánh hóa con người. Tâm linh là một khát vọng sâu thẳm nhất của con người trên hành trình tìm về Cội Nguồn Chân-Thiện-Mỹ là Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, đồng thời cũng là yếu tố nối kết, tạo nên sức mạnh của tình liên đới và hiệp thông giữa con người với nhau.

Nếu có ai hỏi: nơi người tu sĩ, điều gì cao quý nhất? Câu trả lời của chúng ta chắc chắn không phải ở tài năng, địa vị, danh vọng, vật chất, mà là đời sống tâm linh. Bởi vì chính sự sống bên trong mới làm nên giá trị chân thật nơi người tu sĩ. Tất cả những thứ khác cũng cần thiết, nhưng chỉ là thứ yếu. Vì thế, việc tập luyện để có sự nhạy bén tâm linh là một công việc tối ưu quan trọng mà chúng ta không thể coi nhẹ trong bất cứ hoàn cảnh và giai đoạn nào của đời thánh hiến.

Khi nói đến sự nhạy bén tâm linh, chúng ta hiểu đó là một khả năng tìm kiếm và nắm bắt ý nghĩa cũng như sống được các giá trị tinh thần và thiêng liêng trong đời sống tôn giáo, văn hóa và xã hội. Khi chào đời, mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho một khả năng tâm linh ở mức độ nào đó như một hạt giống được gieo vào tâm hồn, nhưng do những vấn đề cuộc sống, hạt mầm này có thể bị bóp nghẹt, bị che lấp hoặc được lớn lên và có chiều sâu tùy vào sự cố gắng của mỗi cá nhân cũng như sự tác động của môi trường sống. Để có một đời sống tâm linh sâu sắc và bền vững, trước hết, chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần chủ động dẫn dắt toàn bộ cuộc sống. Về phần mình, chúng ta cộng tác tích cực với ơn Chúa Thánh Thần bằng những thái độ nội tâm sau đây:

Thực hành các việc thiêng liêng có chất lượng: Đức Cha Tổ Phụ đã có những hướng dẫn rất cụ thể và chuẩn xác về cách thực hành các bổn phận thiêng liêng. Ngài dạy “phải làm các việc thiêng liêng một cách siêng năng, ý tứ và có tinh thầnChị em làm các việc thiêng liêng cho cẩn thận… Cái căn bản cốt yếu của tất cả đời sống là luôn đặt các việc thiêng liêng lên hàng thứ nhất[1]. Song đã gọi rằng việc thiêng liêng thì cốt cách ở tại tinh thần, ở tại lòng trí bề trong. Nếu tinh thần không có, trí lòng sao lãng thì việc bất thành[2]. Đức Cha Tổ Phụ cho thấy thái độ siêng năng, ý tứ và có tinh thần là yêu cầu nhất thiết phải có để làm nên “cái hồn sống” của một con người. Khi thực hành các việc thiêng liêng, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo, từ tâm hồn đến thái độ, cử chỉ bên ngoài, và nhất là cộng tác với ân sủng của Chúa để các giờ kinh nguyện mang lại những ơn ích dồi dào và tạo nên sức mạnh nội tâm làm động lực thúc đẩy chúng ta sống hoàn hảo hơn mỗi ngày.

Năng phản tỉnh: Những khả năng nhận thức tâm linh thường được rút ra từ trải nghiệm tự thân. Việc phản tỉnh giúp chúng ta cảm thụ sâu sắc ý nghĩa của mọi sự việc, biến cố và hoàn cảnh để rút ra bài học. Việc phản tỉnh mở ra cảnh cửa tâm linh khi những suy tư phản tỉnh thổi vào tâm hồn, được lặp đi lặp lại, làm sống động trong tâm trí và dần dần trở thành những phản ứng tâm linh. Điều này đưa đến một ý thức tâm linh sâu sắc. Chúng ta chỉ có thể ý thức được bản thân trọn vẹn khi có sự nhạy bén trong phản tỉnh.

Lặp đi lặp lại những lời nguyện tắt, những tư tưởng thánh thiện, những ý nghĩ lành thánh sẽ giúp phát triển thiên hướng tâm linh. Những lời nguyện ngắn gọn, đơn sơ xuất phát từ lòng mến, được thẩm thấu trong tâm hồn sẽ thúc đẩy sự hoàn thiện bản thân. Nếu được thực hành mỗi ngày, cuộc sống sẽ hòa quyện với những lời nguyện tắt, giúp chúng ta sống gắn bó với Chúa và thể hiện ra lối sống, làm cho môi trường chung quanh trở thành một nơi chứa đựng những giá trị tâm linh cao đẹp. Lời nguyện tắt thì đơn giản, dễ thực hành mà hiệu quả lại rất tuyệt vời.

Tập cảm nhận vẻ đẹp của đất trời. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (TV 19, 2). Trong thiên nhiên và mọi cảnh vật trong vũ trụ này, chúng ta đều cảm nhận một điều gì rất linh thiêng. Những tiếng vọng thiên nhiên có thể giúp nâng cao khả năng tâm linh. Chúng ta hãy để thiên nhiên dưỡng nuôi đời sống tâm linh của mình, vì thiên nhiên cũng là một dạng thức Chúa tỏ mình cho chúng ta. Thật diệu kỳ, sống động và sâu sắc nếu chúng ta gửi gắm niềm tin và tâm tình cảm mến của mình vào những cảnh vật chung quanh, tập đắm mình trong cái bao la của vũ trụ, trong sự linh thiêng của đất trời để tôn kính, mến yêu và cảm tạ Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận lấy trách nhiệm giữ gìn và phát triển môi trường thiên nhiên được luôn xinh đẹp như ý muốn ban đầu của Thiên Chúa.

Loại bỏ những suy nghĩ và thái độ tiêu cực, vì những cái tiêu cực thường che lấp khả năng tâm linh. Edward de Bono nói: “Thực hành một đời sống tâm linh tích cực, lành mạnh sẽ góp phần xây dựng một đời sống hoàn hảo về mọi lãnh vực”. Những ai ý thức sống tích cực sẽ dần tự hình thành một sức mạnh nội tâm, để từ đó, một sự tĩnh lặng và bình tâm sẽ lan tỏa qua thái độ sống, bộc lộ một vẻ đẹp tâm linh sâu sắc và rất đáng trân trọng. Những vẻ đẹp bên trong luôn được thể hiện qua thái độ, cử chỉ, cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách sử dụng lời ăn tiếng nói và mọi sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì những biểu hiện vẻ đẹp của sự thánh thiện sẽ luôn tương ứng với bản chất tâm linh của mỗi người. Tâm linh thì vô hình, nhưng luôn được thông qua các hoạt động bên ngoài như ngôn ngữ, hành động, cách ứng xử có hiểu biết, tinh tế và hướng thiện. Điều này không phải tự nhiên mà có được, nhưng là kết quả của sự thường xuyên tu luyện của mỗi cá nhân.

Kính thưa toàn thể chị em rất thân mến,

Đời sống tâm linh làm nên giá trị sâu xa và bền vững của con người. Để trở thành con người tâm linh thì sự kiên trì là điều quan trọng. Không có con đường tắt và cũng không chỉ luyện tập qua loa mà có thể thủ đắc được một đời sống tâm linh sâu sắc và bền vững. Người có sự nhạy bén tâm linh, cũng nhạy bén với thánh ý Chúa, với những gì thánh thiêng và cao đẹp, đồng thời cũng biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ và quan tâm đến mọi người. Sự nhạy bén tâm linh cũng giúp chúng ta biết cách gieo hạt giống tâm linh vào cuộc sống người khác cũng như vào môi trường sống. Ước mong chúng ta luôn biết cầu nguyện, tìm kiếm, nuôi dưỡng, phát triển và hoàn thiện đời sống tâm linh suốt cuộc đời mình. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết trân quý vẻ đẹp tâm linh và biết đem những kinh nghiệm tâm linh vào cuộc sống hằng ngày, để đời sống thực tế của chúng ta luôn tương hợp với những giá trị nội tại của mình.

Thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Mân Côi

Rose Vũ Loan, FMSR

[1] GSD I, 438

[2] GSD I, 259

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Maria vâng phục

Ở mọi nơi và trong mọi giây phút, Chúa luôn chờ đợi lời thưa xin vâng của chúng con để có thể hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa nơi mỗi người chúng con.

Để lại một bình luận