Nôi ấm gia đình

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 01 VÀ 02-2023

NÔI ẤM GIA ĐÌNH

Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, như cộng đoàn Ba Ngôi, mỗi người tự bản chất là một hữu thể có tương quan! Thật vậy, từ lúc được cưu mang trong lòng mẹ, cho đến khi sinh ra, được dưỡng dục, chở che và trưởng thành, mỗi ngôi vị đều sống trong sự lệ thuộc và liên đới với những ngôi vị khác. Và khởi điểm luôn là cha mẹ cùng gia đình thân yêu của mình. Khi nhắc đến hai chữ “cha mẹ”, “gia đình” hoặc “quê nhà”, trong tâm trí ta ít nhiều cảm thấy xao động, biết ơn, thương nhớ… Năm nay, cùng với chị em toàn Dòng sống chủ đề Bước đi trước mặt Chúa trong các mối tương quan, đặc biệt với cha mẹ và người thân thuộc, mỗi chị em Mân Côi tuy có những cách thức rất riêng, nhưng vẫn có đó những điểm chung để nối kết và lưu giữ tình gia đình. Dựa vào Lời Chúa, giáo huấn của Đức Cha Tổ phụ, Luật Dòng hay huấn quyền, ta cùng nhau triển khai 3 điểm: sống tình con thảo, nhịp bước song hành và sứ giả bình an.

  1. Sống tình con thảo

Tâm tình “Uống nước nhớ nguồn” thường sống lại trong ta mỗi khi nghĩ về tình mẹ cha hoặc những dịp sum họp gia đình. Được ví như nôi ấm, gia đình luôn là nơi người con được sinh dưỡng và bao bọc… Đó cũng là mái nhà cho ta quay trở về bất cứ lúc nào sau khi ta trưởng thành và ra đi lập nghiệp, để tiếp thêm nghị lực và tình thương.

Gia đình – môi trường giáo dục đầu tiên, đã để lại trong ta những bài học nhân bản mà ta vẫn đang cố gắng thực hiện trong đời sống thường nhật: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín; Công-Dung-Ngôn-Hạnh; đón nhận, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ, nhường nhịn… Như một xã hội thu nhỏ, gia đình đã là nơi ta học biết và cố gắng tuân theo những luật lệ và tập tục, hoặc thụ hưởng những truyền thống và văn hóa tốt đẹp. Tất cả dần định hình trong ta những cảm nghĩ, những giá trị cao quý và phong cách rất riêng.

Hơn thế, gia đình – một nhịp cầu đưa ta đến với Giáo Hội, để cùng với cha mẹ và những người thân yêu, ta tôn thờ Đấng đã dựng nên và cứu chuộc mình. Chính trong Giáo Hội và từ các bí tích, ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Đức Tin-Cậy-Mến của ta đồng thời được nuôi dưỡng qua thánh lễ, Lời Chúa, giáo lý và những giáo huấn của Hội thánh… Nhờ đó, ta có thể từng bước hoàn thiện ơn gọi làm người và làm con Chúa.

Không dừng lại ở đó, gia đình chính là mảnh vườn bé nhỏ đã âm thầm ươm mầm ơn gọi dâng hiến cho ta. Khi đến thời đến buổi, mầm ơn gọi ấy đã được nhẹ nhàng bứng đi và gieo trồng trên mảnh đất đặc biệt khác – vườn hồng Mân Côi. Kể từ đây, người con tuy sống tu luyện và phụng sự Chúa trong mái ấm thứ hai của mình, nhưng vẫn nhớ về nguồn cội với tâm tình biết ơn sâu xa. Bài học giáo lý về điều răn thứ bốn – thảo kính cha mẹ, ta vẫn nằm lòng và được Dòng nhắc nhớ: “Chị em có bổn phận chu toàn lòng hiếu thảo, biết ơn đối với cha mẹ, thân nhân của chị em cũng như ân nhân của Dòng; duy trì những giao tế xứng hợp, và chân thành cầu nguyện cho họ khi còn sống cũng như khi đã qua đời” (HLD 36.3).

Thực tế cho thấy, chị em không chỉ sắp xếp thời gian về quê theo phép thường niên (x. NQ 78), nhưng cũng có thể xin phép thăm viếng gia đình khi có những lý do rất đặc biệt. Sự hiện diện trong những ngày nghỉ phép hoặc viếng thăm này giúp chị em cận kề và chia vui sẻ buồn với người thân. Nếu chị em có cha mẹ già đau yếu và không người chăm sóc, Dòng hoặc cộng đoàn hỗ trợ chị em tùy theo từng hoàn cảnh (x. QC TDTT 85, 86, 87, 89). Đây cũng là điều Hiến Luật Dòng đã viết: “Cộng đoàn quan tâm đến gia đình chị em, tùy nghi thăm hỏi và giúp đỡ khi cần, để chị em yên tâm sống ơn gọi của mình” (HLD 36.2; x. QC TDTT 84). Còn khi cha mẹ hay anh chị em ruột của chị em qua đời, mỗi Tỉnh Dòng đều có những quy định riêng về việc cầu nguyện và xin lễ cho người đã khuất (x. NQ 70 – 71). Cách riêng, vào ngày 30 mỗi tháng, toàn Dòng nhớ đến thân nhân của chị em trong kinh nguyện sớm tối (x. NQ 73).

  1. Nhịp bước song hành

Theo ĐGH Phancicô, “Gia đình nên là nơi đầu tiên của việc đồng hành[1], và để nhịp bước song hành với người khác cách sâu xa, ta rất cần có sự gặp gỡ – lắng nghe – phân định. Dựa vào trình thuật của Thánh sử Luca, ta có thể thấy tiến trình này nơi Đức Trinh Nữ Maria: sau khi đến thăm bà Êlizabeth, Mẹ đã quyết định ở lại giúp đỡ người chị họ của mình (x. Lc 1, 39-56). Phải chăng Đức Trinh Nữ đã cầu nguyện và phân định điều Mẹ cần phải làm, ngay sau cuộc gặp gỡ và nghe biết hiện trạng của người thân?

Câu chuyện tiếp theo về hai môn đệ trên đường Emmau cũng cho ta thấy rõ: “Muốn đồng hành với họ, Người đã cùng đi với họ… Người bước vào đêm tối của họ[2]. Như Chúa Giêsu hay Mẹ Maria, phải chăng ta rất cần lắng nghe và phân định – Chúa muốn tôi làm gì, trong và sau khi ta gặp gỡ ai đó trong gia đình, đặc biệt khi họ đang đối diện với những khó khăn – đau khổ – cám dỗ?

Kinh nghiệm cho thấy, đời sống gia đình mỗi nhà mỗi cảnh; làm sao tránh khỏi những khủng hoảng về đức tin, đạo đức, tương quan, kinh tế, bệnh tật hay sự khuất bóng của người thân? Làm sao không thể bận lòng về cuộc sống tương lai của những người trẻ trong gia đình? Ít nhiều do ảnh hưởng của thế giới kỹ thuật số và mạng xã hội đa dạng, không thiếu những người thân rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân – hưởng thụ – thực dụng hoặc thuyết tương đối; họ dần có nguy cơ “tìm cách chối bỏ Thiên Chúa” và “muốn quay lưng với Đấng Tạo Hóa của mình” với lập luận rằng: “Thiên Chúa không nghe những đau khổ của chúng ta, Người vắng mặt, trái đất này là một thung lũng nước mắt, nơi mỗi người chỉ biết trông cậy vào chính mình[3].

Thế nhưng, một dịp thuận tiện nào đó và với nhiều lý do khác nhau, dường như người thân dễ “trút bầu tâm sự” với người con đi tu, và cũng dễ nghe theo những định hướng mà “tu sĩ trong nhà” gợi ý. Khả năng lắng nghe vì thế đóng vai trò quan trọng trong đồng hành, cách riêng với những người trẻ – là tương lai của gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Khi diễn giải về lắng nghe và đồng hành, ĐTC Phanxicô đã nói đến ba loại lắng nghe khác nhau nhưng bổ sung cho nhau:

  • Hướng về người chia sẻ cách cá vị: sẵn sàng dành thời gian cho họ và chú tâm lắng nghe những gì họ đang nói, dẫu cho họ đã có thể chọn sai hoặc lạc đường.
  • Tìm cách phân định: nhận ra sự hiện diện của ơn thánh hay cám dỗ, sự thật hay ảo tưởng, Thần Khí hay cạm bẫy của tà thần trong câu chuyện của họ, hầu giúp họ tìm ra điều tốt lành và quay trở về với sự thiện.
  • Cảm nhận những gì đang thúc đầy người chia sẻ: đó là việc lắng nghe xem chiều hướng nào họ thực sự muốn đi, điều gì họ thực sự muốn trở thành, hoặc việc họ muốn làm có thực sự tốt lành và đẹp ý Chúa[4].

Điều quan trọng, sau khi giúp người thân theo khả năng và thời gian cho phép, ta phải để họ đi trên con đường mà chính Thiên Chúa đã giúp họ khám phá ra. Như thế, một đàng ta đồng hành với người thân cách tận tâm, đàng khác ta cũng phải tín thác họ cho lòng thương xót Chúa – Đấng duy nhất biết rõ điều gì là tốt nhất cho mỗi người. Chắc hẳn, sẽ có những chuyện ta không thể giúp gia đình theo ước nguyện. Ta chỉ có thể thực hiện thường xuyên lời Đức Cha Tổ phụ khuyên: “Hãy nói ít, cầu nguyện nhiều” (I, 643).

Mặt khác, trong vai trò là một người dìu dắt người khác, ta cần lắm những đặc tính mà chính người trẻ hôm nay luôn mong đợi:

  • Trung thành dấn thân với Giáo Hội và thế giới,
  • Không ngừng tìm kiếm sự thánh thiện,
  • Trở thành người bạn tâm tình mà không phán xét,
  • Tích cực lắng nghe những nhu cầu và đáp ứng chúng cách tích cực,
  • Yêu thương sâu sắc và tự giác,
  • Biết các niềm vui và nỗi buồn của cuộc hành trình thiêng liêng,
  • Sẵn sàng đi bên cạnh họ, tin tưởng vào khả năng của họ,
  • Giúp họ nuôi dưỡng hạt giống đức tin, đặc biệt dựa vào Lời Chúa,
  • Thừa nhận các giới hạn hoặc nhân tính của bản thân – “là người mắc lầm lỗi: không phải là người hoàn hảo nhưng là tội nhân được tha thứ”[5]
  1. Sứ giả bình an

Shalom – Bình an, một lời chào thông thường của người Do Thái, cũng là một trong những lời chúc mà Đức Chúa truyền cho ông Môsê nói với ông Aharon và các con: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6, 26). Trong niềm hoài mong Đấng Thiên Sai của lịch sử Cựu Ước, Dân Chúa đã hằng ước nguyện vị Hoàng Tử Hòa Bình sẽ đến và đem lại sự thanh bình cho vương quốc Israel (x. Is 9, 5).

Khi đến thời viên mãn, Giêsu – Con Thiên Chúa đã đến với dân Người (x. Gl 4, 4-7). Là nguồn mạch Bình an, Ngài chúc phúc cho những ai xây dựng hòa bình (x. Mt 5, 7). Ngài dặn dò các môn đệ khi sai họ ra đi rao giảng sứ điệp Tin mừng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (Lc 10, 5). Trong những lần hiện ra với các Tông đồ sau đó, Chúa Giêsu cũng thường nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24, 36; Ga 20, 19.21.26).

Là người con thường xuyên xa nhà do tự nguyện chọn bước theo Đức Kitô để đáp trả tình yêu Ngài, ai cũng khấn nguyện sức khỏe cùng sự bình yên cho cha mẹ và gia đình. Mỗi khi có dịp hiện diện với người thân, chị em thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng cách vui tươi – hạnh phúc, được thể hiện qua nét mặt, ngôn từ, thái độ, hành vi… Như lời Đức Cha Tổ phụ dạy: “Khi phải giao thiệp với cha mẹ bà con…, phải ở lịch sự tử tế luôn” (I, 432). Chị em đồng thời nhớ rằng, “Trong các mối liên hệ giao tiếp, chị em luôn ý thức sứ vụ truyền giáo của mình, để sự hiện diện của chị em mang lại niềm vui cứu độ cho những người chị em gặp gỡ” (NQ 75). Nếu có sự hiểu lầm, sự khác biệt hoặc bất hòa trong gia đình, chị em cầu nguyện và thầm xin ơn khôn ngoan để giúp người thân hóa giải cũng như chữa lành những tổn thương… Hơn nữa, chính “tình yêu là một nghệ thuật, nó sẽ làm cho chị trong mọi trường hợp, biết dùng tài khéo léo mà chinh phục các linh hồn” (I, 577).

Riêng những ngày tháng không thể cận kề với cha mẹ và anh chị em, ta vẫn có nhiều cơ hội để đem Chúa –suối nguồn Bình an, đến với tâm hồn và đời sống thường nhật của họ. Qua những phương tiện truyền thông, ta dễ dàng chia sẻ với gia đình những thông điệp hoặc hình ảnh liên quan đến giá trị Tin mừng hoặc nhân văn, đặc biệt sứ điệp Lời Chúa – nền tảng nuôi dưỡng đời sống đạo giữa dòng đời. Chính lòng yêu mến và cậy tin vào lòng thương xót Chúa giúp họ bình tâm vượt qua những thăng trầm cuộc sống.

Chị em có lẽ cũng chân nhận rằng, ta chỉ có thể trở thành sứ giả bình an cho bất kỳ ai khi bản thân thực sự thanh thoát và có sự tự do nội tâm. Đây là những hoa trái ta có thể kín múc từ Ân sủng và Tình yêu Chúa mỗi ngày. Ngoài việc tích cực tham dự Thánh lễ và kinh nguyện cùng chị em, ta trung thành đi theo những chỉ dẫn của luật Dòng khi tương quan với gia đình. Sâu xa hơn, ta cần dành thêm nhiều khoảnh khắc tĩnh lặng bên Giêsu – Đấng là điểm tựa vững chắc cho ta tâm sự về những vui buồn cuộc sống, đặc biệt mỗi khi gia đình đối diện với những thách đố, khổ đau…

Thay cho lời kết

Chúa Giêsu – Đấng vừa là Con Thiên Chúa và vừa là con người, đã sinh sống và trưởng thành trong nôi ấm gia đình tại làng Nazareth. Ngài tuy rời bỏ mẹ cha để lên đường và thực thi sứ mạng theo Thánh Ý, nhưng Ngài không hề quên nguồn cội nhân tính của mình – con của bác thợ mộc. Là môn đệ thân tín của Ngài, chị em Mân Côi vẫn đang bước đi trên hành trình Giêsu xưa: sống tình con thảo với cha mẹ, nhịp bước song hành với người thân và đem nguồn bình an đến cho bà con thân thuộc cùng nhân loại. Là người con trong gia đình, chị em cũng trải nghiệm sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong những biến cố buồn vui; để dẫu cho cha mẹ và người thân có đối diện với những khủng hoảng, thì ta vẫn kiên vững cậy trông và yên tâm tu luyện nơi Nhà Chúa. Chính sự bình an nội tại, và cung cách sống dễ thương dễ mến của chị em, sẽ để lại những dấu ấn tình thân và sự yên lòng cho gia đình.

Sau hết, em xin được gửi đến Hội Dòng một vài gợi ý nhỏ để suy tư và thực hành:

  • Bản thân sẽ tiếp tục sống tình con thảo với cha mẹ và gia đình mình như thế nào?
  • Tôi cần nhịp bước song hành và trở thành sứ giả bình an cho người thân ra sao?
  • Tôi sẽ giúp gia đình nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa và làm chứng cho Người cách cụ thể như thế nào trong thế giới hôm nay?

M. Emmanuel Thanh Đào

[1] ĐGH Phancicô (2019). Christus Vivit, số 242

[2] ĐGH Phancicô (2019). Christus Vivit, số 237

[3] ĐHY Robert Sarah (2019). Chúa hoặc Không, tr. 303.

[4] x. ĐGH Phancicô (2019). Christus Vivit, số 291 – 294

[5] x. ĐGH Phancicô (2019). Christus Vivit, số 246

About dongmancoichihoavn

Check Also

Mẹ Thiên Chúa

Mẹ sống mật thiết với Thiên Chúa và hài hoà với con người và với thiên nhiên.

Để lại một bình luận