Khấn khiết tịnh – yêu mến nhiều hơn

KHẤN KHIẾT TỊNH – YÊU MẾN NHIỀU HƠN

«Lạy Chúa xin tạo cho con quả tim trong sạch

Đổi mới tinh thần cho bền vững trung kiên” 

LỜI CHÚA (Lc 7, 36 – 50)

SUY NIỆM

Lạy Chúa ! Trong thinh lặng nội tâm, dưới ánh sáng của bài Tin Mừng chúng con muốn phân tích, tìm hiểu và cầu nguyện với các nhân vật trong đoạn Tin Mừng này, để có thể hiểu rõ hơn hai điểm chính nơi bản chất của lời khấn khiết tịnh: «Yêu Thiên Chúa bằng một tình yêu trọn vẹn; yêu tha nhân bằng một tình yêu vị tha và cứu độ».

YÊU THIÊN CHÚA BẰNG MỘT TÌNH YÊU TRỌN VẸN.

 1. Khấn khiết tịnh: tìm về kinh nghiệm tình yêu đích thật trong can đảm và tự do.

Không biết từ lúc nào Người phụ nữ trong bài Tin Mừng đã biết đến Đức Giê su, chị đã gặp Ngài ở đâu hay nghe người ta nói về Ngài, hoặc đã được Ngài chạm đến bằng ánh mắt, bằng Lời nói nào đó, để rồi giữa những bủa vây của tội lỗi, chị vẫn không thể quên được cái kinh nghiệm về một tình yêu đích thật ấy, và âm thầm tìm kiếm, theo dõi nên chị đã biết được từng đường đi nước bước của Ngài «biết cả việc Ngài đến ăn tiệc tại một nhà riêng». Tình yêu không ngăn nổi trái tim chị sau bao ngày giằng co phân định, hôm nay chị dứt khoát lên đường đến gặp Chúa Giêsu. Mặc dù con đường gặp được Chúa Giêsu thật không dễ cho chị. Chị không được mời và không được phép đến đó (vì là phụ nữ, lại là người tội lỗi). Sức mạnh nào đã cho chị sự can đảm để chấp nhận tất cả những cái nhìn coi thường, khinh bỉ và xỉ nhục của nhóm người này? Sự tự do nào đã làm chị hiên ngang đi vào một môi trường đang kết án, loại trừ chị, để chỉ tìm gặp được Thiên Chúa, Đấng mà chị đã «yêu»?

«Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc…».

Không ai biết chị đi cửa trước hay cửa sau? Chị vào bằng cách nào chúng ta không biết, nhưng chỉ biết khi chị xuất hiện là thấy chị đã sát vào Chúa Giê su! Với thân phận tội lỗi của mình, việc sống chui lủi mỗi ngày với chị hẳn đã quá đỗi khổ sở, vậy mà hôm nay chị đã bước vào một nơi “không dành cho mình”, trước bao con mắt: ngạc nhiên, khinh thường, những lời xầm xì đàm tiếu, chị dường như chẳng còn thấy gì ngoài Đấng đang âm thầm chờ đợi chị. «Tình yêu mạnh hơn sự chết», chị không sợ bị xua đuổi, chảng lo mất mạng, không mặc cảm tự ti… Tình yêu hoàn toàn tự do và chân thật: «chị đứng đằng sau, sát chân người mà khóc…»

Người tu sĩ sống khiết tịnh hôm nay, cần lắm những kinh nghiệm gặp gỡ cá vị, thâm sâu trong tình yêu với Chúa, và không thể không có những nối kết thường hằng, liên lỉ với Ngài trong nguyện cầu, suy chiêm và khắc khoải kiếm tìm Ngài trong mọi lối đi ngang dọc của cuộc sống. Chỉ như thế, người tu sĩ mới trung thành, can đảm và tự do sống sung mãn đời sống khiết tịnh của mình giữa một thế giới mà người ta không hiểu, hoài nghi, né tránh và thậm chí khinh bỉ lồi sống này.

Nhưng lạy Chúa! Trong thực tế, con như quên hoặc làm lu mờ cái kinh nghiệm gặp gỡ ban đầu với Chúa, và để trái tim mình bị phân mảnh bởi bao nhiêu đối tượng và sự vật khác. Con loay hoay với cuộc chơi tìm mình và mất quá nhiều thời gian và không gian cho một số tương quan hay công việc cá nhân không cần thiết, thậm chí không xứng hợp với đời tu.  Con bận tâm nhiều đến đám đông, đến những xu hướng của thời cuộc, tìm cảm giác mới lạ… rồi khi lạc mất Chúa thì con ngại ngùng, bỏ cuộc, để mình trượt dài trên những khuynh hướng, những thói quen thế tục, không phù hợp với Chúa.

Đức Thánh Cha Phan xi cô trong một buổi tiếp kiến chung đã nói : Chúa Giê su rất triệt để, người trao ban tất cả và Người đòi hỏi tất cả. Người trao tặng tình yêu tuyệt đối và đòi hỏi một con tim không chia sẻ. … Chúa Giêsu không hài lòng với một tỉ lệ phần trăm tình yêu, chúng ta không thể chỉ yêu Người hai mươi, năm mươi hay sáu mươi phần trăm, với Chúa Giêsu hoặc là tình yêu trọn vẹn hoặc là không có tình yêu. Như thế, vì tính triệt để này, không có tình yêu nửa vời. Vậy dù bất cứ một sự cắt xén nào trong giao ước tình yêu với Chúa, dẫu là rất nhỏ, cũng gọi là bất trung với Chúa. (Bài giảng của ĐTC Px trong ngày khánh nhật truyền giáo 21/10.2018)

  1. Yêu là dành riêng, là dâng hiến trọn vẹn.

Chúng ta tiếp tục chiêm ngắm những cử chỉ không lời của người phụ nữ đang từng bước, thận trọng và tỉ mỉ trao tặng cho Chúa Giêsu với một tình yêu nồng cháy, với tất cả sự dịu dàng của tình yêu mà chị đã chuẩn bị từ lâu để hôm nay đổ hết vào chân Chúa: mỗi cử chỉ đều mang một ý nghĩa và nặng tình nghĩa nữa: chị đi vào nhà, có lẽ toàn đàn ông, không mặc cảm sợ hãi;  tay cầm bình bạch ngọc đựng dầu thơm (thứ quý và đắt tiền) chị đứng đàng sau, sát bên chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người (một sự sám hối công khai, chân tình), chị lấy tóc mình mà lau…Sự duyên dáng, diễm lệ, cho sự quyến rũ thầm kín, hôm nay chị lột trần tất cả đặt dưới chân Giê su, Người mà chị tìm được tình yêu đích thực ;  rồi hôn chân Người , sau cùng mới lấy dầu thơm và đổ lên. Tất cả những cử chỉ lạ lùng này ẩn dấu một tình yêu mãnh liệt qua từng chuyển động của đôi tay, của ánh mắt, của con tim, và của chính ngôi vị. Những gì chị có (bình bạch ngọc), và những gì chị là (hiện diện, nước mắt, mái tóc, những nụ hôn, danh dự, ngôi vị), chị đổ hết vào chân Chúa. Tất cả như muốn diễn tả tận cùng, diễn tả bao nhiêu có thể lòng mến của chị: «bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều» (c. 47). Trong thinh lặng, ngôn ngữ của tình yêu đã bao trùm tất cả, qua thứ ngôn ngữ vô giá ấy, Chúa Giê-su đã ghi nhận từng của lễ chân thành của chị: nước mắt, mái tóc, dầu thơm và con tim. Dầu thân xác có phải hoen ố vì tội thì tình yêu của chị vẫn dào dạt và trong sáng, vì thế chị xứng đáng với lòng trắc ẩn vô biên của Thiên Chúa: “Tội của chị đã được tha rồi”.

Lạy Chúa! có lẽ những bước khởi đầu theo Chúa, cũng như ngày tuyên khấn, con đã can đảm đặt tất cả những gì con có, những gì con là và cả niềm cậy trông tín thác của con dưới chân Chúa để an tâm và thanh thản bước vào giao ước tình yêu với ba lời khấn Dòng. Nhưng cuộc sống, xã hội, môi trường, công việc và cả những xu hướng tự nhiên nơi bản thân, đã dần đưa con xa rời Chúa, phản bội lời tuyên khấn: Con như tìm kiếm và lấy lại những gì đã dâng hiến, thậm chí các nhu cầu ngày một tinh vi và phức tạp hơn. Trái tim con chưa sống đầy, sống tròn, mà luôn mập mờ, rẽ ngang tìm kiếm những an ủi giả tạo, những mối tình ngoài luồng; đôi khi quá bận tâm, chăm sóc, năng niu cho những dáng vẻ bên ngoài, để nội tâm ngổn ngang, trĩu nặng không vươn cao, triển nở trong tinh thần lời khấn. Khi yếu đuối xa ngã, con lại thu mình trong sợ hãi, dày vò, trốn tránh tiếng nói của lương tâm ngay thẳng và ngại ngùng tìm đến với Chúa và chị em. Để rồi lại kéo theo bao nhiêu những dị biệt, tự vệ, khoảng cách, phản ứng khó hiểu; lạnh lùng trong tương quan, hời hợt trong đời sống cộng đoàn…

Về bên Chúa lúc này, đối diện với lòng mình, con muốn một lần nữa xin mang về đây tất cả những gì con có, những gì con là, cả những yếu đuối bất trung với một «tấm lòng tan nát giày vò», như một lời kinh hiến tế trong cung thánh nội tâm của con dâng lên Chúa, bằng lòng sám hối thẳm sâu, xin Chúa chạm đến để thanh tẩy và làm cho con nên xứng đáng hơn, thuần khiết hơn để được thuộc về Ngài và biết yêu tha nhân bằng tình yêu của Ngài.

YÊU THA NHÂN BẰNG TÌNH YÊU VỊ THA VÀ CỨU ĐỘ

Người tu sĩ Cả đời không phạm tội nghịch đức khiết tịnh, không lỗi lời khấn, không có đối tượng nào bên ngoài, nhưng trái tim chúng ta ích kỷ, chỉ quy vào bản thân, thiếu sự thông cảm, chia sẻ, yêu thương, phục vụ, thì vẫn chưa thể coi là đã giữ trọn đức khiết tịnh.

Hiến luật Dòng số 6.2 cho thấy chiều kích tích cực thứ hai của việc sống đức khiết tịnh, là mở ra đối với tha nhân:

“Sống đời độc thân thánh hiến, chị em được liên kết với mầu nhiệm Thương khó và phục sinh của Chúa Kitô. Với một tình yêu rộng mở và đời sống phục vụ trong vui tươi hạnh phúc, chị em chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời giúp chị em sống quân bình, phát triển nhân cách, và có khả năng yêu thương hết mọi người bằng tình yêu rộng mở của Chúa Giêsu…”

Khấn Khiết Tịnh để dành trọn tình yêu dấn thân phục vụ và chăm sóc tha nhân

Ông Simon, vì là một Phariseu – tầng lớp luôn coi mình là đạo đức thánh thiện, Ông tự hào vì mình hiểu biết và giữ Luật cách nghiêm chỉnh, ông nhiệm nhặt trong từng khoản luật nhỏ nhưng lại lỗi phạm điều răn cao trọng nhất mà không hay, chính Chúa Giê-su đã chỉ cho ông thấy, người phụ nữ – kẻ mà ông cho là tội lỗi, đang sống giới răn ấy trọn hảo hơn một người “thánh thiện” như ông: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi”. Hẳn Simon đã quên rằng mọi sự tốt lành và khả năng sống luật Chúa đều là ơn Chúa ban cho, ông không thể tự mình có được, sự ấu trĩ cố hữu khiến ông trở nên khô cứng, vô cảm trước những thúc động của tình yêu. Vâng lạy Chúa, con đời độc thân khiết tịnh là để dành trọn tình yêu cho Chúa và trải rộng cho tha nhân, nhưng nhiều khi con lại quặt ngược về chính mình với dáng vẻ tự tôn siêu thoát bên ngoài, những giờ kinh đầy đủ trong các nghi lễ, nhưng bên trong đầy bon chen, ích kỷ và dễ dàng né tránh, bỏ qua mọi nhu cầu tối cần của tha nhân.

Trong một bài diễn văn ĐTC Phanxi nói: Bàn tay chúng ta được “xức dầu bằng Thần Khí” không chỉ để thực hiện các nghi thức thánh, nhưng còn để khuyến khích, giúp đỡ và đồng hành với mọi người để giúp họ thoát ra khỏi những gì làm họ tê liệt, khép kín, sợ hãi. (Diễn văn của ĐTC trước các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ…, của Nam Sudan 4-2-2023)

Khấn khiết tịnh là sống tình yêu bao dung, kiên nhẫn và vực dậy những mảnh đời.

Đức khiết tịnh được thực hiện phong phú và trở nên sung mãn trong tình huynh đệ giữa các chị em trong cộng đoàn, giúp chúng ta có thể sống an vui triển nở và siêu thoát trong cuộc đời hiến dâng của mình» (HL 8.1).

Tiếng lòng (nghĩ trong bụng) của ông simon trước người phụ nữ : ông giản lược ngôi vị vào những hành vi tội lỗi ở quá khứ, vì thế ông mù lòa đối với những hành vi đầy ắp tình yêu và lòng sám hối của người phụ nữ đang diễn ra trước mắt ông, chúng hoàn toàn vô nghĩa. Đức Giê-su đã giúp ông mở mắt ra để biết nhìn, biết những suy nghĩ trong lòng ông.

Lạy Chúa! Con là tội nhân, hiển nhiên rồi, nhưng vẫn còn một vấn đề lớn khác: «cái nhìn của con về những tội nhân khác». Những người chị em của con, vì yếu đuối vấp ngã, đã hoán cải và muốn trở nên tốt hơn, nhưng đôi khi vì cái nhìn khắt khe, thậm chí là sự phóng chiếu, mà con đã làm cho tha nhân bị mặc cảm, co cụm và không bình an để sống ơn gọi của mình.

Đức Giêsu, tại sao Ngài để cho người phụ nữ tội lỗi ở gần và làm những hành vi dị thường? Đức Giêsu như đồng hóa mình với người tội lỗi, Ngài đến đồng bàn với nhóm người tội lỗi hôm nay. Ngài đón nhận tất cả những hành vi chân thành của người phụ nữ tội lỗi: vì chị là một ngôi vị và Ngài trân trọng tâm tình sám hối chân thành và tình yêu đích thực chị dành cho Ngài. Ngài kiên nhẫn chỉ dạy cho Ông Simon nhận ra giá trị của tình yêu…

“Tội của Chị đã được tha rồi”; “Lòng tin của Chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Hai câu của Chúa Giê su dành cho người phụ nữ thật ngắn gọn, nhưng đi đôi với ánh mắt dịu dàng và diễn tả sự đón nhận cách trân trọng tất cả những gì chị vừa làm. Hai câu nói chữa lành vết thương lòng của Chị, phục hồi ngôi vị của Chị, tái tạo cuộc đời chị. Không phải bằng những lời trách móc nghiêm khắc khiến người ta rơi vào thế tự vệ, nhưng bằng cách ban cho họ sự can đảm, sự cương quyết và tự do để làm lại cuộc đời.

Linh mục Patrick Caroll, Sj đã nói: “Trong mỗi thời đại, luôn có nhiều người độc thân gắt gỏng, nóng tính, những «bà cô già» giả nhân giả nghĩa trong đời sống độc thân, họ đi đến ngôi mộ của mình mà không một lần bị dục tình quấy rối». Cả đời họ không làm chứng cho điều gì ngoài sức mạnh của ý chí. (Thời Sự Thần Học, số 66, Tr.53). Giữ được tâm hồn trong trắng là một điều vô cùng cao quý và đáng mơ ước, nhưng nếu đó là lý do để tôi kiêu ngạo, khinh dể, coi thường người khác thì nó lại là một mối nguy, bởi tôi khấn giữ đức khiết tịnh để làm chứng cho tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, dành cho dân của Ngài, một dân tộc lấm lem vì bất toàn, tội lỗi (…).

Bosco Trần Sách, fmsr

(trích nguyện gẫm – nhắc lại lời khấn 2023)

About dongmancoichihoavn

Check Also

Ngày ơn gọi – Thạnh Trị

Giúp cho các bạn trẻ được tiếp cận với môi trường tìm hiểu ơn gọi sống đời thánh hiến theo linh đạo của chị em Mân Côi Chí Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *