GIẢM BỚT NHỮNG LẦN KHÓ THƯƠNG
Nhân dịp đầu Xuân mới, chúng ta có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ và tương tác với mọi người. Đây cũng là cơ hội thật tốt để chúng ta có thêm những trải nghiệm về việc xây dựng và hoàn thiện các mối tương quan với mọi người trong cuộc sống, cách riêng với các thành viên trong cộng đoàn hay trong Hội Dòng, nhằm khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, để mỗi ngày chúng ta trở nên dễ thương hơn trước mặt Thiên Chúa và mọi người (x. Lc 2, 52). Chúng ta đang sống trong thời gian, là con đường một chiều dẫn về phía trước, đồng thời cũng hướng tầm nhìn của chúng ta về sự tăng trưởng trong mọi phương diện của đời thánh hiến. Vì thế, năm mới là thời gian ân sủng giúp chúng ta tiến lên cao hơn, qua việc sửa chữa những tiêu cực còn đọng lại của năm cũ và tích lũy những gì cần vun đắp cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Đây cũng là cách chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về món quà thời gian và cám ơn những ai đã nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn về mặt thể chất cũng như tinh thần.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta gặp gỡ những con người với tính cách độc đáo khác nhau. Có nhiều người dễ thương và cũng không thiếu người khó thương. Dễ thương và khó thương là hai cụm từ gợi lên mức độ tình cảm và sự quan tâm mà chúng ta dành cho ai đó. Một người được nhận định là dễ thương khi chúng ta dễ đón nhận, hòa hợp và quý mến họ. Bởi vì tính cách, hành vi và đặc điểm của người đó gợi lên trong ta sự cảm mến, đưa đến một cảm xúc vui vẻ và dễ chịu. Người dễ thương là người cởi mở, hòa nhã, dễ gần, thân thiện, tích cực và dùng lòng tốt để đối xử với mọi người. Sống bên họ, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu và hạnh phúc, vì sự dễ thương của họ cho ta cảm giác an toàn. Thánh Phaolô dạy rằng: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cl 4,6). Lời này không chỉ dành riêng cho các tín hữu Côlôsê, nhưng còn gởi đến mỗi người chúng ta, nhằm để xây dựng mối tương quan tốt đẹp và sống thuận hòa với nhau.
Khi nói người nào đó khó thương, chúng ta thường thấy họ cứng cỏi, lạnh lùng, u buồn, nóng gắt, khó tính và thiếu hài hòa. Có thể vì họ có những thái độ, lời nói, hành vi hay tính cách không phù hợp với ta, hoặc khi ta không cảm thấy thoải mái để tiếp xúc hoặc sống chung với họ. Người khó thương không hẳn là người xấu, nhưng là người thiếu hòa hợp và thấu cảm, có lẽ vì họ và ta có những quan điểm nhân sinh và giá trị khác biệt, nên có thể tạo ra sự phán xét cho nhau. Thường thì không ai thích sống gần người khó thương vì tính cách của họ dễ làm ta trở thành tiêu cực và có khi mất bình an.
Thật ra, con người là “nhân vô thập toàn”, nên có những người dễ thương về mặt này nhưng lại khó thương về mặt kia, và cũng không ai là người dễ thương hay khó thương 100%. Thí dụ: người nóng tính, dễ nói lời mất lòng nhưng lại tốt bụng và hay giúp đỡ; hoặc có những người nói hay và rất thuyết phục nhưng khi gặp chuyện lại thường lẩn trốn… Một người cũng có thể là dễ thương trong mắt người này nhưng lại khó thương dưới mắt người kia. Sở dĩ có sự khác biệt này là do suy tưởng, tâm trạng, thái độ và tính cách của mỗi người hợp nhau hay khác nhau. Kinh nghiệm từ thực tế của đời sống cộng đoàn, chúng ta thấy mình không thể làm vừa lòng hết mọi người. Sẽ luôn có người yêu mến và người ghét bỏ; có người thuận và người chống; Có người khen và cũng có người chê. Ngoài ra, cũng có khi sự khó thương của ai đó không khởi đi từ phía họ, mà có khi do sự bất an của chính bản thân ta. Lúc đó, những thái độ, lời nói và hành vi có khi rất nhỏ nhặt cũng có thể khiến người này trở thành khó ưa trong mắt người kia.
Theo tính tự nhiên, tương quan của chúng ta thường có điều kiện và bị giới hạn trong một nhóm người hay một kiểu người nào đó. Hơn nữa, nơi bản thân, do tâm tính hay hoàn cảnh đổi thay, chúng ta cũng có lúc dễ thương và có lúc khó thương. Vì thế, việc tu luyện bản thân nhằm giảm bớt những lần khó thương là điều mà mỗi chúng ta cần quan tâm, để mỗi ngày, từ vẻ đẹp tâm linh đến nhân cách bên ngoài, đều được chuyển dịch theo hướng tăng trưởng tích cực, hài hòa và cân đối.
Vậy, trong đời sống cộng đoàn, nếu sống và làm việc chung với một người thường thể hiện sự khó thương nhiều hơn là dễ thương, ta phải cư xử thế nào? Thánh Phaolô nói rằng: “Ai gieo gì thì gặt nấy” (Gl 6,7). Gieo ghen ghét sẽ gặp thù hận; Gieo dễ thương sẽ gặt yêu thương… Debasish Mridha nói rằng: “Tôi không có thời gian để khó chịu hay giận dữ, bởi vì tôi luôn luôn bận rộn với tình yêu”. Sách Cách Ngôn cũng dạy chúng ta: “Ghét ghen sinh cãi vã và tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10, 12). Như vậy, chính “sự bận tâm sống yêu thương” sẽ là cách hóa giải mọi điều khó thương nơi người khác. Thiên Chúa là tình yêu, Người dựng nên chúng ta bằng tình yêu, Người đặt trong chúng ta một trái tim biết yêu thương và Người mong đợi chúng ta đáp trả lại bằng chính tình yêu của mình. Có tình yêu hiện diện trong cõi lòng, chúng ta mới thực sự dễ thương trong việc đón nhận nhau, trao tặng điều tốt đẹp cho nhau và giúp nhau sống vui vẻ, hạnh phúc.
Hơn nữa, chúng ta có mẫu gương tuyệt vời là Chúa Giêsu, Đấng luôn “hiền lành và khiêm nhường”. Chúa Giêsu luôn dễ thương trong tính cách, trong lời nói và hành động. Chúa không kết án hay nặng lời với người có lỗi, nhưng luôn tha thứ và yêu thương họ (x. Ga 8, 1-11). Thái độ này của Chúa Giêsu được thể hiện bằng những hoa trái của Thánh Thần: “Bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Khi có những hoa trái nhân đức này, chúng ta sẽ không khắt khe, coi thường hoặc phán xét người khác, nhưng là thương cảm, tôn trọng, tế nhị và đối xử tốt với họ. Những hoa trái Thánh Thần sẽ giữ tâm thế bên trong của ta được bình an, điềm tĩnh và khoan dung, đồng thời giúp cho phản ứng bên ngoài của ta luôn nhẹ nhàng, hòa nhã và thân thiện.
Người ta có nhận xét rằng: những ai sống bên cạnh ta, họ là người dễ thương hay khó thương, cũng có thể phần nào do thành kiến hoặc hình ảnh của ta sẵn có về họ; hoặc do sự tác động tính cách bất tương đồng của ta trên họ. Có khi những bất nhất và vụng về của ta đã tạo ra những phản ứng khó thương và những cảm xúc tiêu cực nơi người khác. Thí dụ: sự lạnh lùng, nghiêm khắc và thiếu cảm thông của ta có thể làm cho người khác trở nên cứng cỏi và khép kín. Một nhận xét khá thực tế, đó là: những gì được thể hiện ra bên ngoài đều phô diễn nội tâm; nếu bên ngoài tốt đẹp thì điều đó chứng minh sự thánh thiện của tâm hồn; ta quan tâm điều gì thì điều đó làm nên cuộc sống của ta; ta nhìn tha nhân thế nào, thì đó cũng phản ánh tâm trạng của ta. Vậy, để giúp cho người sống bên mình trở nên dễ thương, chúng ta cần đối xử dễ thương với họ, thể hiện sự quý mến, niềm nở và ngay cả biết ơn họ. Vì “đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu dựng tất cả” (1Cr 13,7).
Trường hợp ngược lại, khi ta nhận thấy người khác có biểu hiện không thích ta ở điểm này điểm kia, họ khó thân thiện hoặc ngại ngùng gặp gỡ chuyện trò với ta, thì có thể ta đang là người khó thương đối với họ. Vậy, ta cần làm gì khi thấy mình không được đón nhận? Chắc chắn, cảm giác mình là người khó thương có thể làm ta đau khổ và nhụt chí, nhưng chúng ta không bao giờ lựa chọn sự đầu hàng, cho dù phải đối diện với những cố gắng đầy vất vả.
Trước hết, việc phản tỉnh và cầu nguyện sẽ giúp ta bình tâm và sáng suốt đối diện với con người thật của mình và vận dụng được nguồn năng lực trong việc hoàn thiện bản thân. Tiếp đến, cần xác định mình thường gặp khó khăn và dễ đụng chạm với người khác về vấn đề gì để thẳng thắn nhận diện và khắc phục chúng? Một vài dấu hiệu lý giải được những khó khăn gặp phải trong tương quan, có thể vì ta quá đòi hỏi, khắt khe, xét nét, khiến người khác sợ hãi, khó đến gần; có thể là sự cố chấp, tự mãn, gặp chuyện gì cũng quyết đấu đến cùng; có thể vì ta thiếu cởi mở, dễ làm ất lòng hoặc thiếu tôn trọng… Sau cùng, sự khoan dung và tha thứ cho bản thân sẽ giúp ta định hình lại suy nghĩ của mình theo hướng tích cực, lạc quan và thực tế hơn trong việc thay đổi. Đây là những trải nghiệm giúp ta lột mặt nạ những tư duy và phản ứng tiêu cực, chúng thường luẩn quẩn tác động khiến ta dễ có những phản ứng không mong muốn.
Thật không dễ để tự mình nhìn ra được những đúng sai trong con người của mình, nên chúng ta cũng cần đến sự giúp đỡ của một ai đó, những người có trách nhiệm hoặc chuyên môn. Những thái độ khó hiểu, những hành vi bất nhất đôi khi cũng là dấu hiệu của một tâm lý bất ổn, nên cần tìm ra những ngọn nguồn của động cơ thúc đẩy dẫn đến những phản ứng khó thương. Nếu không được nhận biết và điều chỉnh, chúng có thể làm lệch lạc suy nghĩ, dẫn đến những hành động sai trái, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến các mối tương quan. Chúng ta cũng không nên để mình đắm chìm trong lo lắng hoặc một lúc muốn sửa chữa tất cả, nhưng chỉ tập trung vào những điều cần thiết hơn, và từng bước một, mỗi ngày tô điểm thêm một chút vẻ đẹp cho cuộc sống, rồi với thời gian, ta giảm bớt dần dần những lần khó thương.
Dù hành trình thay đổi có khó khăn đến mức nào, thì thiện chí và ý muốn luôn có thể chuyển hóa tất cả. Sự cởi mở và khao khát vươn cao vẫn luôn là sức mạnh để hoàn thiện bản thân. Đó là những bạn đồng hành không bao giờ rời bỏ ta, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho bất kỳ ai muốn sống lành mạnh, giầu tình thương và vươn cao theo hướng tích cực. Xin Chúa biến đổi chúng ta thành những con người đáng yêu trong ánh mắt của Thiên Chúa và mọi người.
Marie Rose Vũ Loan, FMSR