Vâng Phục – sống cho Thiên Ý

“Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29)

Lời nguyện dẫn nhập

Lời Chúa

Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi phải chết. Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. (DT 5, 7-9)

Suy niệm

Đoạn Lời Chúa như kể cho chúng ta về một kinh nghiệm thâm thúy của Chúa Giê su khi Người sống vâng phục: một khát vọng được biết ý muốn của Cha khi đối diện với một chọn lựa hay một quyết định sống còn; một trải nghiệm học biết thế nào là bước đi trong Thánh ý ; và một giá trị vĩnh cửu mang lại cho nhân loại là “nguồn ơn cứu độ” qua việc sống Thánh Ý Cha.

Trong thinh lặng nội tâm, đối diện với ánh sáng Lời Chúa, chúng ta được mời gọi trải lòng mình ra cho Thiên Chúa, cho những gợi ý, những đề nghị rất riêng tư của Ngài cho mỗi người chúng ta. Để với ơn Chúa, chúng con mong tìm được chút ánh sáng mới, cảm nhận mới và một xác tín cho những gì chúng con đã chọn.

1/ Khát vọng tìm kiếm Thiên Ý.

Suốt đêm trường hồn con khao khát Chúa

Trong thâm tâm những kiếm tìm khắc khoải

Tìm kiếm “Thiên mệnh” là một khao khát khôn nguôi của con người trong mọi tôn giáo. Con người khao khát được biết ý muốn của các thần linh. Nhiều tín đồ hỏi thần thánh ở nơi linh thiêng và theo lời sấm truyền. Kẻ thì tĩnh tọa suy niệm, hoặc khẩn nài xin ánh sáng, v.v. Những ao ước ấy đích thực, vì cho thấy con người vô tri, vô giác, bất lực trước Đấng tuyệt đối mà họ phải hoàn toàn vâng phục. Đối với ki tô giáo, những con người của Thánh kinh, ngoài khát vọng biết ý Chúa họ còn có khát vọng được đối thoại với Thiên Chúa, “Lạy Thiên Chúa Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa để thấy uy lực và vinh quang quang của Ngài”; “Lạy Chúa xin đùng ẩn mặt đi, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài”. Vì trong đối thoại con người mới biết rõ ý muốn của Thiên Chúa.

Là một tu sĩ khi tuyên bố sống vâng phục là lúc tôi bắt đầu cử hành hiến lễ tình yêu đời mình từng ngày, là lúc tôi bắt đầu cuộc dò tìm và khám phá Thánh Ý nhiệm màu của Thiên Chúa trong mỗi phút giây đời tôi.

Ngoài việc lắng nghe tiếng Chúa trong cõi lòng, trong câu chuyện cuộc đời của tôi với Chúa, thì tác nhân đầu tiên giúp tôi tìm kiếm ý Chúa đó là luật Dòng. Khi tìm kiếm và sống ý Chúa trong luật Dòng, là tôi tiến bước trong bình an, và sống trong sự đổi mới của Chúa Thánh Thần. “Kẻ yêu luật Chúa hưởng bình an thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (TV 119, 91b).

Ý Chúa còn được biêu lộ qua các bề trên, qua lời nhắc nhở của người khác mà tôi được mời gọi để chú tâm lắng nghe trong tình con thảo.

Mặt khác Ý Chúa cũng được biểu lộ qua những biến cố và những dấu chỉ lớn nhỏ trong cuộc sống. Chúa không chỉ nói với tôi qua những điều may lành, nhưng còn dùng những đau thương của kiếp người, những bất toàn của cuộc sống để giáo huấn tôi, và chính qua những cảnh sống ấy mà Thiên Chúa mời gọi tôi yêu mến và phụng sự Chúa.

Cuối cùng, để nhận được những tín hiệu đích thực từ Thiên Chúa thì không gì hơn là thái độ chăm chỉ cầu nguyện, để qua đó Chúa đổi mới những suy nghĩ lệch lạc của tôi, Ngài thêm sức mạnh giúp tôi sống khiêm tốn và dạy cho tôi biết lắng nghe những điều Thiên Chúa nói qua trung gian, qua những biến cố không ngừng diễn ra mỗi ngày và qua cả những giằng co, những cám dỗ luôn ám ảnh ngay trong chính nội tâm của tôi. Vì cầu nguyện không chỉ là lúc tôi bày tỏ những nhu cầu của mình với Chúa, nhưng còn là một sự lắng nghe và đáp trả sâu xa tình thương của Chúa, Đấng luôn muốn gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với tôi những dự tính riêng của Ngài cho tôi, và mời gọi tôi đón nhận cũng như sẵn sàng đặt mình dưới sự giáo dục đày khôn ngoan của Ngài.

Vâng phục chính là lắng nghe, nghe giáo hội, nghe hội dòng, nghe chị em, nghe những thách đố của thời đại, nhất là để lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời khấn vâng phục của người tu sĩ không chỉ diễn ra một lần là xong, cũng như ý muốn của Thiên Chúa không chỉ nói với chúng ta một lần là đủ, nhưng như Mẹ Maria là cả một đời suy gẫm và tìm kiếm Thánh Ý Chúa.

2/ Học bước đi trong Thánh Ý.

Hãy bước đi trước mặt Ta và hãy nên hoàn thiện”(St 17,1)

Lắng nghe để tìm kiếm Ý Chúa đã không dễ, nhưng nhận ra và trung tín bước theo tiếng gọi của Ngài lại cả là một hành trình đầy gian nan thử thách. Đến nỗi chính Chúa Giê su, Ngài cũng phải trải qua đau khổ để học biết thế nào là vâng phục (Dt 5,8): “Ngài… sấp mặt xuống đất, cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).

Vâng phục theo gương Chúa Giê su, đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn, hủy mình ra không, để hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa như “Chúa Giê su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. (Pl 2, 6-8).

Dấn thân trong đời sống vâng phục tu trì, cần phải có cái nhìn đức tin, một đức tin mạnh mẽ, dứt khoát để đi đến cùng mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giê su. Điều này chúng ta học được nơi tổ phụ Abraham. Thái độ vâng phục của ông là lời đáp trả cho những tiếng gọi của đức tin, một đức tin đòi hỏitriệt để: chấm dứt một quá khứ quen thuộc để bước vào một tương lai bất định. Rời bỏ dân tộc, quê hương, nhà cửa… tất cả những gì làm nên sự ổn định, êm đềm và tiện nghi cho ông. Bỏ lại phía sau cách nhìn, cách suy tư đánh giá và ngay cả quyền được chọn, được hưởng của bản thân. Bỏ lại tất cả để lên đường vâng theo một tiêng gọi. Một thái độ vâng phục đầy tình yêu và lòng tín thác. Thái độ vâng phục của một người Cha của những kẻ tin.

Khi tuyên khấn vâng phục tu sĩ hiến dâng tất cả ý chí và toàn bộ đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giê su một cách vững mạnh và quyết liệt hơn. Tuy nhiên trong thực tế điều này chẳng mấy dễ dàng. Vì cám dỗ của người trẻ hôm nay thích tự do định đoạt tất cả, kiểm soát tất cả và chiếm hữu tất cả. Họ thích dựa theo lập trường, theo kiến thức và sự hiểu biết thiển cận của mình để rồi coi thường kỷ luật, bất chấp ý kiến người khác, dễ phản kháng lại những quyết định của bề trên, hay than phiền trách móc khi được đề nghị phải vâng phục một điều trái ý “bằng mặt mà không bằng lòng”. Một não trạng luôn quá nhạy cảm với sự tự do cá nhân và đề cao cái tôi. Quan niệm về vâng phục dẫn đến bế tắc và khủng hoảng: Đức vâng phục còn có ý nghĩa gì trong một thế giới đầy sáng tạo và luôn chờ đợi những sáng kiến mới? Rập khuôn theo kiểu cũ, là ngăn chặn đà tiến của xã hội và làm cho hội Dòng tụt hậu. Dám nghĩ, dám làm là dấu chỉ của sự trưởng thành, không lệ thuộc cách ấu trĩ vào người khác. Liệu ai chỉ quen làm theo ý người khác, chỉ chăm chú giữ luật, có cơ hội để trưởng thành không? Đó là những vấn nạn, những quan điểm của người trẻ hôm nay. Lời khấn vâng phục, không phải là sự nông nổi từ bỏ tự do và mọi quyền chọn lựa và quyết định của mình, nhưng đây là một chọn lựa có ý thức vầ đầy tự do, để quy phục triệt để bản ngã con người tôi, để trao tặng tất cả những cái tôi “là” cho Thiên Chúa, Đấng mà tôi yêu mến tin tưởng và muốn dâng hiến tất cả để phục vụ cho chương trình và kế hoạch cứu độ của Ngài.

Mặt khác những quan niệm tự do chủ quan, ngông cuồng, coi thường luật lệ đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các gia đình, sự bất đồng, bất ổn, rạn nứt trong các cộng đoàn, sự băng hoại trong xa hội và sự hủy diệt nơi bản thân.“Vì một người không vâng phục đã dẫn đến đau khổ và sự chết cho muôn người, thì nhờ sự vâng phục của một Người sẽ đem lại Tình yêu, niềm vui, sự tự do đích thực và sự sống cho muôn người”.

Đặt mình dưới ánh sáng Tin Mừng và lòng tin, chúng ta thấy vâng phục lại là con đường giải thoát và đem lại sự tự do và sự sống. Đức Giê su đẫ tái lập niềm tin bằng sự vâng phục của Ngài đối với Cha. Ngài yêu thương Chúa Cha nên Ngài vâng phục Cha, vì Ngài tin tưởng Cha nên phó thác trọn vẹn đời mình trong tay Cha. Thánh Ý Chúa Cha là lương thực và là điểm tựa cho mọi hoạt động của Chúa Giê su. Noi gương Đức Giê su và học nơi Người, bằng một cử chỉ của sự tự do tuyệt đối và của niềm tín thác vô điều kiện, chúng ta được mời gọi đặt “ý muốn” của mình trong tay Chúa Cha để làm một hy lễ toàn hảo, đẹp lòng Người (Rm 12, 1).

3/ Sống Thánh Ý

Điều đẹp Ý Ngài xin dạy con thực hiện, lối đi của Ngài xin hướng dẫn con”.

Sự vâng lời của tôi trở nên tròn đầy hơn khi tôi biết cậy nhờ vào ân ban và phó thác hoàn toàn cuộc sống của mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua hội dòng, trong cộng đoàn và nơi những người chị em tôi chung sống và cùng nhau thi hành sứ vụ.

Khi tuyên khấn vâng phục là một cách tôi tuyên xưng lớn tiêng lời “xin vâng” đối với hội dòng, và tôi được mời gọi sống cởi mở, tin tưởng, dấn thân cho hội dòng, để Thiên Chúa hoàn toàn tự do uốn nắn và dẫn dắt tôi trong nếp sống của hội dòng. Khi thi hành sứ vụ, tôi luôn khiêm tốn lắng nghe và sẵn sàng khước từ những dự tính cá nhân để cộng tác vào dự án chung của hội dòng qua những quyết định của Bề trên. Vì Ý Chúa được biểu lộ qua các bề trên, qua Chị em, qua những lời nhăc nhở của người khác. Thánh Sasilio đã đề cao tính cộng đoàn của đức vâng phục khi nói: “Mục đích của đức vâng phục là từ bỏ con người cũ, với những dự tính riêng của mình để được thanh thản bước theo Đức ki tô trong một hội dòng. Do đó người tu sĩ phải vâng phục thánh ý Chúa qua lời dạy bảo của người khác, khi những lời này hợp với Tinh Mừng và luật dòng”.

“Anh em hãy tùng phục nhau trong niềm kính sợ Đức Chúa” (Ep5,21).

Thật vậy đời sống huynh đệ cộng đoàn là chỗ tốt nhất để nhận định và sống thánh ý Chúa, để cùng nhau tiến bước. Được Chúa Thánh Thần linh hứng, mỗi người trân trọng đối thoại với người khác để tìm ra ý Chúa. (X. VC 92a). Để qua những cuộc đối thoại huynh đệ, người ta nhận ra những điều đem lại lợi ích cho cá nhân và cộng đoàn.

Vâng phục huynh đệ đòi ta phải biết lắng nghe người khác, tôn trọng và đón nhận những khác biệt của mỗi người, hết lòng kiên trì và cảm thông với những khiếm khuyết, bất toàn của tha nhân, vì mỗi người đều là trung gian cho Thiên Chúa hiện diện và bày tỏ ý muốn của Ngài.

Vâng phục huynh đệ cũng có nghĩa là không sống trong cộng đoàn chỉ theo tiêu chuẩn của quyền lợi và bổn phận, chỉ theo tiêu chuẩn của công bằng. “vì như vậy thì dân ngoại cũng vẫn làm”. Tinh thần vâng phục đòi ta hy sinh, dấn thân trong tinh thần đức ái để mang lại lợi ích cho nhau. « Nâng đỡ gánh nặng cho nhau là chu toàn luật Đức ki tô » (Gal 6, 2).

Tôi yêu mến Thiên Chúa, nên muốn thi hành ý Ngài: Tôi yêu mến anh em, nên muốn hiến mạng sống mình để vâng phục anh em trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Sống ý Chúa trong tinh thần vâng phục là tôi an tâm, trung tín bước đi với mẹ dòng trong mọi biến cố vui buồn, trong mọi thay đổi bất ngờ, đôi khi bấp bênh, nguy hiểm nhưng tôi vẫn tin tưởng tiến bước mà không cần phải có những giải thích, những điều kiện bảo đảm, an toàn. Vì tôi đang cùng mẹ Dòng sống Thánh Ý.

Lời nguyện kết

Lạy Chúa! Cảm tạ Chúa đã yêu thương tin tưởng và mời gọi con cộng tác với Ngài để tiếp tục hành trình cứu độ nhân thế qua lời khấn vâng phục, trong đời sống dâng hiến của con. Nhưng đôi khi con đã quên lời hứa, coi thường kỷ luật, sống bất trung, thất tín với Ngài để mình trượt dài trên những nẻo đương bất chính, lạc vào những khoảng không vắng bóng Thiên Chúa. Xin Tình yêu và lòng thương xót của Chúa tha thứ cho con. Xin làm mới lại trong con tình yêu tình yêu tinh tuyền của Chúa. Để con luôn bắt đầu và lại bắt đầu cho một cuộc xuất hành mới, để cùng Ngài lên đường cử hành « hy lễ xin vâng » ở những địa chỉ, những điểm hẹn mà Chúa đang chờ đợi con, cùng với tha nhân và chị em con. Xin cho con trung tín bước đi mỗi ngày với lời xin vâng đầy xác tín. Amen.

Viện Khấn Tạm

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khi nào tôi được thứ tha?

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *