Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

Trong ngày lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm về tình yêu của Mẹ, để từ đó ta có được sự gợi hứng và những gợi ý cho việc thực thi đức ái trọn hảo trong đời mình.

  1. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cách chân thực, khởi điểm cho hành trình mang tên tình yêu

Trong trình thuật về biến cố Truyền Tin cho Đức Maria mà chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca trình bày cho chúng ta nghe về một cuộc gặp gỡ giữa 2 trái tim  khao khát trong tình yêu: trái tim tình yêu của Chúa khao khát gặp gỡ với từng người trong chính căn nhà của họ, trong chính cuộc đời của họ; và trái tim tình yêu luôn khắc khoải để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Chính cuộc gặp gỡ chân thật và sống  động ấy giúp Mẹ có được một kinh nghiệm, một trải nghiệm về tình yêu mà Chúa dành cho Mẹ. Chính vì yêu thương mà Chúa tạo nên Mẹ; vì yêu thương Chúa chăm sóc, dưỡng nuôi, gìn giữ Mẹ trong ân sủng của Người; vì yêu thương Chúa tuyển chọn Mẹ và ngỏ lời với Mẹ. Trải nghiệm tình yêu trong một cuộc gặp gỡ đích thực như thế đã ghi khắc trong tâm trí Mẹ một ký ức thật đẹp, một kinh nghiệm thật sống động. Và cuộc gặp gỡ ấy như một bước ngoặt để từ đây cuộc đời Mẹ bước sang một trang mới, Mẹ được bước vào một hành trình mới, một cuộc phiêu lưu mới với Thiên Chúa. Chính khi gặp gỡ Đấng là Tình Yêu, được Tình Yêu của Người đụng chạm, thu hút và biến đổi; Mẹ trở nên một thụ tạo mới được Thánh Thần Tình Yêu nắn đúc và tạo dựng. Để rồi từ vị thế là đối tượng của tình yêu, Mẹ trở nên chủ thể dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa và trao ban tình yêu cho con người; từ chỗ là chiếc bình rỗng hứng lấy ân sủng, Mẹ trở nên dòng suối chuyển thông ân sủng cho thế trần. Có thể nói chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, trải nghiệm tình yêu Chúa dành cho mình đã mở tung mọi cánh cửa trong tâm hồn Mẹ, để rồi từ đây trái tim Mẹ luôn mở rộng cho Thiên Chúa và tha nhân.

Như thế khởi đi từ một cuộc gặp gỡ cách chân thật và sống động với Thiên Chúa, khởi đi từ trải nghiệm rất thật về tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa dành cho mình Mẹ đã bước vào con đường mang tên Tình Yêu.

Điều này gợi nhắc chúng ta về hành trình thực thi đức ái trọn hảo của mình. Như Mẹ Maria, chúng ta cũng cần lắm những kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa tình yêu. Vì chỉ khi nào chúng ta có những trải nghiệm thực sự về tình yêu Chúa dành cho mình ta mới có thể bước đi cách vững vàng và trung kiên trong đời bác ái.

  1. Bước vào con đường tình yêu là bước vào tiến trình thống nhất

Với lời thưa “xin vâng” trước lời ngỏ của Chúa, Mẹ Maria  bước vào con đường tình yêu một cách triệt để. Mẹ bước vào con đường này với tất cả con người mình; nghĩa là trên hành trình Tình Yêu, Mẹ luôn vận dụng mọi năng lực mình có để sống tương giao tình yêu với Chúa và với mọi người. Và dường như tất cả con người Mẹ đều chỉ hướng về một điều: tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa; bởi vì đó là cách Mẹ chọn để thể hiện tình yêu của Mẹ. Thế nên cả đời Mẹ luôn thao thức, trăn trở để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Trong từng biến cố của đời Mẹ, ta thấy cung cách của Mẹ luôn là : “ghi nhớ những kỷ niệm ấy  lòng”. Ngang qua việc suy gẫm như thế, Mẹ vận dụng năng lực của lý trí để nhận ra thánh ý Chúa, Mẹ tự chủ cảm xúc để luôn muốn những điều Chúa muốn, và Mẹ vận dụng nội lực, ý chí để trung tín thi hành ý Chúa. Khi tiến bước trong con đường tình yêu như thế cũng là lúc Mẹ bước vào tiến trình thống nhất: thống nhất với chính mình, với Thiên Chúa và với mọi người.

Ta thấy rằng khi tất cả mọi năng lực, mọi quan năng của Mẹ đều hướng đến một mục tiêu: tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa thì Mẹ đã tự thống nhất trong chính bản thân. Từ đó nơi Mẹ không còn những xung đột nội tâm hay những sự bất nhất trong đời sống. Nơi Mẹ không có sự phân rẽ giữa lý trí, ý chí và cảm xúc; nghĩa những gì lý trí Mẹ xét thấy  là cần phải làm vì đó là ý Chúa thì cảm xúc của Mẹ sẽ muốn thực hiện điều đó và ý chí giúp Mẹ kiên trì cho đến khi hoàn tất. Lẽ dĩ nhiên sự thống nhất đời sống như thế không miễn trừ cho Mẹ những nỗi khó nhọc, khổ đau trong cuộc sống. Nhưng trong chính những điều khó nhọc nhất, khi phải đón lấy những thập giá nặng nề vì sống tình yêu thì Mẹ càng trở nên thống nhất hơn trong chính mình; và chính sự thống nhất đời sống lại nên sự trợ lực giúp Mẹ vượt qua những thách đố. Như thế tình yêu đích thực phải dẫn đưa con người đến sự thống nhất nội tại và chính sự thống nhất nội tại đó sẽ giúp con người sống bác ái hơn.

Càng tiến bước trong con đường tình yêu Mẹ càng trở nên hiệp nhất với Thiên Chúa và tha nhân vì như lời thánh Phaolô đã xác quyết: “đức ái là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,15). Quả thật đức ái đã liên kết mọi yếu tố trong chính con người Mẹ đã vậy; đức ái còn là sợi dây để liên kết Mẹ với Thiên Chúa và mọi người vì khi yêu thì người ta ở trong nhau. Khi mọi quyết định và hành động của Mẹ đều được bén rễ trong đức ái, trong tình yêu cũng là lúc trái tim Mẹ mở ra để Thiên Chúa bước vào cuộc đời Mẹ và để ôm ấp cả thế giới. Nhờ đó mà Mẹ được hiêp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa để rồi từ đây ý của Chúa là ý của Mẹ, mối bận tâm của Chúa trở nên mối bận tâm của Mẹ, chọn lựa của Chúa chính là chọn lựa của Mẹ. Cũng chính sự hiệp thông trong tình yêu ấy giúp Mẹ nhạy bén nhận ra nỗi khốn khó của đôi vợ chồng trẻ khi hết rượu trong ngày cưới và nhanh chóng can thiệp; Mẹ cảm thông, tha thứ  đón nhận và cùng cầu nguyện với các tông đồ dù cho họ có hèn nhát vì bỏ mặc Thầy trong cuộc khổ nạn. Và trong sự hiệp thông ấy Mẹ không ngừng cầu bầu cho chúng ta là những người con của Mẹ đang bước đi trong cuộc lữ hành trần thế.

Từ những bước chân của Mẹ trong con đường tình yêu, ta nhận ra mối tương quan giữa tình yêu và sự thống nhất đời sống: bước vào con đường tình yêu là bước vào tiến trình thống nhất đời sống; và càng thống nhất đời sống thì tình yêu nơi con người  sẽ càng triển nở và trưởng thành. Điều này gợi nhắc chúng ta về con đường sống đức ái mà ta đang theo đuổi. Trên hành trình ấy ta cũng cần loại khỏi mình những sự bất nhất để tiến tới sự thống nhất đời sống trong Chúa; ngõ hầu ta không chỉ sống và hành động duy cảm xúc hoặc duy lý trí, nhưng đời ta là một sự thống nhất hài hòa giữa lý trí, ý chí, và cảm xúc. Nhờ đó mà ta có thể hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp thông với tha nhân cách chân thực và trọn vẹn.

  1. Một tình yêu đích thực luôn có sự sáng tạo

Một đặc nét khác của tình yêu mà ta không thể không nói đến đó là sự sáng tạo. Khi bàn đến đặc tính sáng tạo của tình yêu, nhiều người đã ví von: “tình yêu là một nghệ thuật, và mỗi người đang yêu là một nghệ sĩ”. Điều này gợi nhắc cho chúng ta rằng một tình yêu đích thực phải là một tình yêu mang tính cá vị, và những người đang yêu luôn có những các thức riêng tư và độc đáo để diễn tả tình yêu của mình. Cụ thể nơi cuộc đời Mẹ Maria, ta thấy Mẹ không sống tình yêu bằng việc truyền giáo và thành lập các giáo đoàn như thánh Phaolo, hay cai quản Giáo Hội như thánh Phêrô hoặc một vị thánh nào khác. Mẹ đã khám phá ra cách thức diễn tả tình yêu của mình, Mẹ đã chọn sống tình yêu bằng cách tìm kiếm và thi hành ý Chúa trong tư cách của một nữ tỳ Thiên Chúa.

Sự sáng tạo trong tình yêu của Mẹ không chỉ nằm ở một cách thức riêng từ và độc đáo để diễn tả tình yêu, mà còn được thể hiện trong việc khám phá và tạo nên vẻ đẹp mới trong từng nhịp bước yêu thương. Chính sự sáng tạo ấy làm cho một cuộc sống bình dị của người phụ nữ Do Thái trở nên rất đỗi cao trọng ; chính sự sáng tạo ấy làm cho chuỗi ngày dài trong sự âm thầm với thiên chức làm mẹ nơi làng quê nghèo Nadaret luôn ngập niềm vui và sức sống. Chắc chắn rằng sự sáng tạo như thế là một điều rất cần thiết trong tương giao tình yêu; nếu không tình yêu sẽ thật dễ bị bóp nghẹt bởi những nhịp đều đặn, bởi những thói quen sinh hoạt trong đời sống thường nhật.

Chiêm ngắm tình yêu của Mẹ như thế, chúng ta như được mời gọi nhìn sâu hơn vào bản thân để biết mình nhiều hơn; ngõ hầu ta có thể tìm ra cách thức diễn tả tình yêu của riêng mình. Đó là điều cần thiết để sống đức ái trọn hảo, vì chưng một tình yêu đích thực thì mang tính sáng tạo chứ không phải là sự sao chép và bắt chước. Lẽ dĩ nhiên kinh nghiệm và mẫu gương sống tình yêu của người khác có thể là những gợi hứng và gợi ý cho ta nhưng đó không phải là một mẫu thức để ta rập khuân theo. Và thực tế dù ta có cố sao chép, có cố để làm cho cách thức diễn tả tình yêu của ta nên giống người khác thì ta cũng không thể làm được. Bởi lẽ cái kinh nghiệm, cái trải nghiệm của ta khác với người khác, cái tâm tính của ta cũng khác với họ. Thế nên thay vì phí phạm thời gian và các năng lực trong việc sao chép, ta hãy tập trung vào mình để nhận ra đâu là cách thức diễn tả tình yêu của riêng ta trong mối tương giao với Chúa và mọi người.

Phải là một tình yêu mang tình riêng tư và độc đáo, mang tính sáng tạo như thế mới có thể thúc đẩy ta tiến tới sự hoàn thiện. Chỉ tình yêu như thế mới giúp ta là chính mình hơn, giúp chúng đạt tới tầm mức viên mãn trong chính con người mình. Bằng không ta chỉ biến mình trở nên một bản sao, một sự sao chép máy móc. Và thường thì một sự sao chép máy móc sẽ dễ dẫn đến những gãy đổ trong tương giao tính yêu; hoặc là chính ta không đủ kiên trì theo đuổi con đường ấy cho đến cùng vì đó không phải là con đường dành cho ta.

Và chúng ta cũng được mời gọi để khám phá ra và tạo nên vẻ đẹp cùng với sự tươi mới trong từng khoảnh khắc, trong những nhịp đều đặn của kinh nguyện, của sứ vụ. Chắc chắn chỉ có sự sáng tạo trong tình yêu như thế mới giúp ta chống trả lại sự ru ngủ của những thói quen, sự bào mòn tình yêu của những nhịp đều đặn trong sinh hoạt hằng ngày.

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, dõi theo bước Mẹ trên con đường tình yêu con hiểu ra rằng thực thi đức ái là cách để Mẹ gìn giữ sự tinh tuyền thánh thiện mà Chúa đã ban cho Mẹ. Chính việc sống yêu thương là phương thế để Mẹ chống trả lại những cám dỗ để rồi suốt đời Mẹ chẳng hề phạm một tội lỗi nào, nơi Mẹ chẳng có một vết nhơ tội lỗi nào dù chỉ một lỗi nhỏ vô ý.

Đó như là một lời mời gọi, một sự khích lệ và một niềm hy vọng cho mỗi chúng con trong cuộc lữ hành trên trần gian. Trong cuộc lữ hành của mình, con được mời gọi nên thánh trong linh đạo Mân Côi. Thế nên con chỉ hoàn tất sứ mạng đời con khi con thực thi các triệt để tinh thần của Dòng, sống trọn vẹn với căn tính là nữ tu Mân Côi.

Mẹ ơi con biết rằng con biết rằng con đường ấy chẳng mấy dễ dàng, vì đằng sau tình yêu luôn có bóng dáng của thập giá; mà bản thân con lại có nhiều yếu đuối. Nhưng con sẽ không nản lòng , thoái chí, bỏ cuộc vì con biết rằng luôn có Chúa và Mẹ song hành cùng con; và bên cạnh con luôn có chị em cùng chung nhịp bước.

Tin tưởng vào tình yêu của Chúa, lòng từ mẫu của Mẹ nên con xin tận hiến ngày sống hôm nay và mọi ngày đời con cho Chúa. Với ý hướng như thế nên giờ đây con xin cùng với chị em con lặp  lại lời kinh tận hiến. Khi miệng con đọc những lời kinh này, xin cho lòng con biết chú tâm để suy gẫm ngõ hầu những lời con đọc sẽ được hiện thực hóa trong đời con.

M. Ambrosiô Mỹ Linh, FMSR

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Ai tín

Tiễn đưa Soeur Maria Têrêsa Lê Thị Nhàn, Fmsr

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *