Đức Maria – mẫu gương sự thánh thiện

CHỦ ĐỀ HỌC TẬP THÁNG 11-2017

Để tiếp tục đề tài “Nên thánh trong việc ở với Chúa và để Chúa sai đi”, lần trước chúng ta đã chiêm ngắm Chúa Giêsu, Lý Tưởng Duy Nhất Của Sự Thánh Thiện” và hôm nay chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Đức Maria người nữ đầu tiên đã theo sát Chúa Chúa Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa và trở nên mẫu giương sự thánh thiện tròn đầy trong lòng Giáo Hội. Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến. Đáp lại, Mẹ đã dùng cả cuộc đời để cộng tác với ân sủng, thi hành trọn vẹn kế hoạch của Ngài trong thiên chức làm Mẹ Con Thiên Chúa. Nhờ thế, Mẹ đã trở nên mẫu giương tuyệt vời nhất về sự thánh thiện của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Là nữ tu dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, ai trong chúng ta cũng biết rằng nên thánh là một điều cần thiết, cấp bách và là bổn phận hàng đầu. Đức Cha Tổ Phụ Đominicô Maria Hồ Ngọc Cẩn đã từng nhắc nhở chị em: «Ngay từ khi mới ở nhà dòng, hãy thúc giục mình nên thánh» [1]. Vậy chúng ta phải nên thánh như thế nào và bằng cách thức nào, nếu không phải là noi giương sự thánh thiện của Mẹ Maria, Người mà chúng ta đã từng gọi là Mẹ Bề Trên tối cao của Hội Dòng. Nhìn vào cuộc đời của Mẹ, chúng ta thấy Mẹ đã nên thánh khi mau mắn thực thi thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống: lúc vui, lúc buồn, lúc bối rối, lúc bình an … Mẹ được gọi là người có phúc vì “đã lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”[2]. Nơi  Mẹ chúng ta thấy được sự thánh thiện tròn đầy và xung mãn[3]. Ở đây chúng ta cùng chiêm ngắm để học giương thánh thiện của Mẹ qua những khía cạnh căn bản: Sự nối kết với Thiên Chúa, nguồn mạch sự thánh thiện; Sống thánh thiện trong tương quan với tha nhân và hài hòa với chính mình. Trên tất cả là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần đã âm thầm hướng dẫn để cuối cùng Mẹ trở nên mẫu giương tuyệt vời trong việc kiện toàn Thánh ý Thiên Chúa. Thánh Ý của Thiên Chúa thì mầu nhiệm, trừu tượng và lớn lao nhưng đã được bộc lộ rõ nét trong cuộc đời đơn sơ bé nhỏ của Mẹ. Mỗi lần chiêm ngắm Mẹ là một lần chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình cách khách quan, đơn sơ và chân thành để chỉnh sửa những gì là khiếm khuyết và nỗ lực góp phần tích cực cộng tác với ơn Chúa để thánh ý Chúa được kiện toàn nơi đời sống của nữ tu Mân Côi, cộng đoàn Mân Côi và của Hội Dòng mang tên Mẹ Mân Côi.

1.NỐI MẠNG VỚI THIÊN CHÚA,NGUỒN MẠCH SỰ THÁNH THIỆN[4]

Không ai có thể nên thánh nếu không gắn liền với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Và cũng không ai có thể sống thánh thiện nếu không nhận được nguồn ân sủng trợ giúp từ trời cao. Nơi Đức Maria chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó. Người đã được Thiên Chúa cưu mang tuyển chọn và trang bị đầy đủ những đặc ân để Mẹ chu toàn chức vụ Ngài trao phó cho Mẹ [5].

Qua cuộc đối thoại với Thiên Sứ trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Ngài đã nâng Mẹ lên trong khi Mẹ chỉ là một thiếu nữ Do Thái bình thường bé nhỏ, đơn sơ và yếu đuối. Thiên Chúa đã trang bị muôn vàn đặc ân và  hoàn toàn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài đã nghiêng mình xuống hỏi ý kiến của Mẹ. Từ đó, Đức Maria đã sống mối tương quan với Thiên Chúa trong sự ý thức rất rõ, cũng có thể nói rằng Mẹ đã được nối mạng với Thiên Chúa, chính là Nguồn mạch sự thánh thiện và không bao giờ lìa xa dù chỉ một giây phút. Cuộc đời Đức Maria có một định hướng rõ ràng và dứt khoát. Mẹ phó mình hoàn toàn vào  bàn tay quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa. Người đã trở nên chỗ dựa vững chắc cho Mẹ mặc dầu phải lao đao, chới với giữa  muôn vàn khó khăn phức tạp của cuộc sống.  

Thánh sử  Luca đã cho ta thấy Mẹ được Thiên Chúa quí trọng hơn cả đền thờ Giêrusalem với hàng trăm tư tế… Ngài đã chọn Mẹ là cung điện thánh thiêng cho Con Một của Ngài để thực hiện một mầu nhiệm trọng đại trong lịch sử cứu độ. Đức Maria đã thoáng thấy huyền nhiệm kín ẩn Thiên Chúa đang được thực hiện trong cuộc đời của Mẹ và Mẹ đã đáp lại bằng một tình yêu khiêm hạ, hoàn toàn tín thác và hiến dâng: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.Với Mẹ được làm nữ tỳ của Chúa là một vinh hạnh không gì sánh được, Và Mẹ đã đáp “xin vâng” trong thân phận nữ tỳ khiêm hạ để thi hành Thánh ý Chúa, mặc dù Mẹ chưa hiểu hết những gì sẽ xẩy đến với Mẹ.

Khi đã thuận vâng Thánh ý Chúa, Đức Maria sẵn sàng đón nhận tất cả thực tại thường ngày với lòng biết ơn và phó thác, mặc dù không thiếu những khó khăn, gian khổ, thiệt thòi.  Mẹ chấp nhận hy sinh cuộc hôn nhân gia đình với thánh Giuse để cho Ngôi Lời nhập thể, bởi “khi biết Đức Maria có thai thì Giuse đã định tâm lìa bỏ Mẹ cách kín đáo” [6]. Chắc hẳn Mẹ đã phải lo lắng không biết nên giải thích làm sao cho Giuse hiểu về Hài Nhi mình đang cưu mang? Liệu Giuse có tin lời Mẹ không? Là một thiếu nữ được lớn lên trong khung cảnh Do Thái,  ngày ngày Mẹ chứng kiến cái chết tất tưởi của những phụ  nữ  bị xem là ngoại tình. Mẹ sẽ ra sao, khi chưa về với chồng mà đã có thai? Chẳng lẽ người ta lại không lôi Mẹ ra khỏi thành và  ném đá cho đến chết sao.

Như vậy, khi nói “xin vâng” Đức Maria đã  liều mạng, đánh đổi tất cả, chấp nhận mất đi hạnh phúc trước mắt, phó thác hoàn toàn sinh mạng của mình trong bàn tay Thiên Chúa. Mẹ đã can đảm, tin tưởng vào Đấng đã mặc khải cho Mẹ biết kế hoạch Ngài sẽ thực hiện, mặc dù Mẹ không hiểu hết. Mẹ sẵn sàng “xin vâng” bất kể điều gì có thể đến với mình sau đó.

Sự thánh thiện nơi Mẹ là thế, đã xin vâng là một lòng nhắm mắt đưa chân vì Mẹ biết mình tin tưởng vào ai, phó thác vào Đấng nào. Với tất cả sự tự do và lòng yêu mến, Mẹ đã để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài trong cuộc đời của Mẹ[7].

Nhìn ngắm Mẹ Maria chúng ta thấy phảng phất tình yêu biệt chọn Thiên Chúa dành cho người nữ tu Mân Côi. Cũng ngày nào đó trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, chúng ta đã là những thiếu nữ bình dị, bé nhỏ, đơn sơ…Thế rồi, được Chúa yêu thương đoái nhìn… Đã nhiều lần, chúng ta cũng cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng khi được làm nữ tu của Chúa. Chúng ta ý thức rõ rằng từ giờ đó “Dây mạng giữa tôi và Chúa đã được kết nối”. Nhưng rồi chuyện gì xẩy ra sau đó, tôi có cẩn thận  khiêm tốn để ơn Chúa hoạt động mãi trong mình không, tôi đã sống ơn gọi nữ tu như thế nào?

Đời thánh hiến của tôi cũng đòi hỏi những từ bỏ và chọn lựa, đã một lần tôi liều mạng từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Nhưng rồi trong cuộc sống thường ngày thì sao? Khi tôi phải đối diện với những khó khăn nho nhỏ, những chê bai của bạn bè, rằng tôi quê mùa, ngớ ngẩn khi chọn lựa sống những lời khuyên Tin Mừng và những lời Chúa dạy. Khi mọi người đang sống gần tôi cố tìm cách khẳng định chính mình, phải làm  cho người khác nể vì bằng cách sống thị oai, kinh khi người khác,  tôi có dám sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa dạy không, có dám thinh lặng chấp nhận hy sinh bé nhỏ để giữ được sự hiện diện của Chúa trong lòng không? Tôi có vui và dám đánh đổi tất cả để giữ gìn mối tương quan của tôi với Chúa? Hay  dây mạng của tôi thường xuyên bị cắt mà tôi không hay biết?

Đôi lúc Chúa muốn tôi nói lời xin vâng trọn vẹn hơn, qua những khó khăn, thử thách tôi gặp: sự hiểu lầm từ những người xung quanh, những vất vả trong bổn phận hằng ngày. Tôi có tin tưởng phó thác và vui sống như Mẹ không? Đã bao lần trong cuộc đời tôi tỏ ra chán nản ngã lòng đòi bỏ cuộc trước những khó khăn nhỏ bé, đôi khi nó chẳng là gì “so với vinh quang bất diệt mà Thiên Chúa muốn dành cho tôi”. Tôi có đủ đức tin để nhận ra rằng đôi khi Chúa muốn trang điểm cho tôi những nét đẹp thiêng liêng, những triều thiên vĩnh cửu  cho tâm hồn nên Ngài cho tôi những cơ hội…?

Sống giữa một xã hội tục hóa, hằng ngày tôi đối diện với vô vàn thách đố, những cám dỗ diễn ra thường xuyên, có những lời mời mọc sống buông thả, thoải mái hơn, những đam mê có dịp thỏa mãn… tôi có dứt khoát chối bỏ nó để dành thời gian cho Chúa không, tôi có dám đón nhận những hy sinh bé nhỏ hằng ngày để Chúa có thể dùng tôi như khí cụ của Ngài để đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác không. Tôi có dám đánh đổi thú vui phù vân, chóng qua để tích lũy hạnh phúc vĩnh cửu không. Thay vì facebook đưa những tấm hình nghiêng qua ngả lại để mua những lời khen chóng qua phù phiếm, tôi có chú tâm trong việc học hỏi, đọc sách, suy niệm, trao dồi nhân đức để xứng đáng là nữ tu hơn không? Nếu tôi không biết nâng niu trân trọng thì liệu đời tu của tôi có thể triển nở sung mãn được không, hay chỉ kéo lê nặng nề cho qua ngày tháng để cầm chừng?

Một khi đã ý thức mình được Chúa yêu thương tuyển chọn, Đức Maria đã đặt Thiên Chúa vào vị trí trung tâm đời sống.  Ngài ở trên mọi sự và trước mọi loài, tất cả đều qui hướng về một mình Ngài. Chính tình yêu ấy làm cho Đức Maria dâng hiến mọi sự cũng như toàn thân để thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Nhờ cảm thức mình được Thiên Chúa yêu thương Đức Maria khám phá ra sự hiện diện thầm kín của Chúa Đấng đang hoạt động mãnh liệt trong lịch sử dân Ngài. Nhờ vậy, Mẹ đã dần trưởng thành và trở nên cây cổ thụ vững vàng trong đức tin, là mẫu giương của muôn người qua muôn thế hệ.  

2.SỰ THÁNH THIỆN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI THA NHÂN

Một khi ý thức mình được Chúa yêu thương và tuyển chọn, Đức Maria nhận ra tình yêu của Chúa cũng tuyển chọn và hoạt động nơi người khác. Mẹ đã vội vã đi thăm người chị đã cao niên đang mang thai. Từ đây, Mẹ dần khám phá ra ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động và hiện diện nơi những người đang sống xung quanh: Gioan từ trong lòng Mẹ đã nhẩy mừng (Lc1,15.17); Giacaria chúc tụng Thiên Chúa (Benedictus); Cụ già Simeon phục vụ trong đền thánh (Lc 2,25-27)

Khả năng nhận ra sự hiện diện của Chúa là dấu chỉ ân sủng đang hoạt động trong tâm hồn Mẹ. Nhờ đó, Mẹ biết tôn trọng sự hiên diện của Chúa nơi những người xung quanh. Sự tôn trọng này được thể hiện qua thái độ sống, hành vi chọn lựa đối xử. Không  phải chỉ ở những biến cố trọng đại, nhưng trong những khoảng khắc đơn sơ tầm thường diễn ra mỗi ngày. Mẹ rất nhậy bén với nhu cầu của những người xung quanh, sẵn sàng nâng đỡ, trợ giúp khi cần (Ga2,1-12). Vì thế, Mẹ đã ở lại và âm thầm phục vụ người chị đang cần giúp đỡ (Lc1,56).

Cộng đoàn tôi đang sống là một hồng ân Chúa dành cho tôi. Tôi có biết thể hiện tình thương mến bằng những cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói thanh lịch, một đời sống tràn đầy yêu thương và phục vụ khiêm tốn không. Yêu thương và tôn trọng những người tài giỏi, nhân đức đã vậy nhưng tôi có bén nhậy đủ để cảm nhận được lời mời gọi để  phục vụ, tôn trọng  những người xem ra yếu thế hơn, ít nhân đức hơn… Ngược lại nếu tôi chưa bao giờ nhận ra Chúa đang hiện diện trong người khác, những người đang sống gần tôi, tôi sẽ dễ dàng phóng ra những lời lẽ ngạo mạn, những hành vi khiếm nhã, sự khinh thường người khác, thái độ thiếu yêu thương… đó là dấu chỉ tôi chưa bao giờ ý thức Chúa vẫn âm thầm  hiện diện và hoạt động trong chính tôi và những người xung quanh.

Đức Maria không những chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ cho những người xung quanh. Mang Chúa Giêsu đến cho ai có nghĩa là mang và trao tặng niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già, thế nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho gia đình bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Thần. Niềm vui ấy được biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Còn tôi thì sao? Đâu là tình thương mà tôi mang đến cho chị em? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng?  Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng hình ảnh “hóa loãng” để nói về tình yêu nhạt nhẽo. Ngài giải thích khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu của tôi giống như thế, lúc mạnh lúc yếu theo cảm xúc, thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Khi thấy người khác có lợi cho tôi thì tỏ ra vồn vã, còn nếu không thấy có gì kiếm chác được, thì lạnh như tiền. Xã hội đã cho tôi kinh nghiệm về điều đó. Người ta tôn trọng những người tài  năng, quyền thế và coi thường những người bé nhỏ yếu đuối. Đánh giá người khác trên công suất mà quên nghĩ về phẩm giá và quyền lợi của người lao động. Hậu quả là biết bao người bị loại trừ, thất nghiệp và khổ đau.

 Sống trong cộng đoàn, gia đình được Chúa yêu thương thiết lập[8] sự hiện diện của chị em là món quà Chúa ban cho tôi, cho dù nếu người ấy có những khuyết điểm, hay thiếu sót. Tôi có biết nhận chị em với lòng thương xót. Chúa đã nói “phúc cho ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Mỗi ngày tôi có thực hành lời Chúa dạy không? Khi xót thương chị em chính là  lúc tôi để cho Thiên Chúa có cơ hội tỏ lòng thương sót với tôi. Vì Chúa đã nói tôi đối sử với chị em thế nào thì Chúa sẽ đối sử với tôi như vậy. Nếu tôi loại trừ chị em, chẳng lẽ Chúa lại không loại trừ tôi sao?

Lần giở lại một vài sự kiện được ghi trong Phúc Âm, ta đã thấy được sự tuyệt hảo trong hành vi và cách sống đầy yêu thương của Đức Maria, tuy đơn sơ, giản dị nhưng biểu lộ một sự hiện diện tràn đầy của ân sủng. Mẹ rất bén nhạy và tinh tế trong yêu thương, đối với Thiên Chúa và tha nhân. Mẹ sẵn sàng can thiệp cách tế nhị để trợ giúp những ai đang cần. (Ga2,1-4). Như thế, Đức Maria cho ta thấy rằng Mầu nhiệm của Thiên Chúa thì trừu tượng và lớn lao nhưng đã được cụ thể hóa rõ nét nơi cuộc sống của Mẹ.  Và một khi đã nối kết với Thiên Chúa nguồn mạch sự thánh thiện, thì hành vi con người có nhỏ bé đơn giản đến đâu cũng mang chiều  kích vĩnh cửu. Những hành vi yêu thương là dấu chỉ của sự hiện diện của ân sủng đang hoạt động. Đức Maria đã trở nên Người nữ mà “muôn thế hệ đều khen là diễm phúc”.

III. THÁNH THIỆN TRONG CHÍNH NỘI TÂM MÌNH

Nhờ nối kết với nguồn mạch sự thánh thiện là chính Thiên Chúa, Đức Maria không những có được khả năng bén nhạy và nhận định một cách sâu sắc sự hiện diện của Chúa nơi những người xung quanh, Mẹ còn có khả năng đi vào nơi thâm cung sâu thẳm nhất của cõi lòng mình. Dù cuộc đời an bình, nhẹ nhàng trôi qua  hay khi phải sống giữa biến cố thăng trầm đang dồn dập xảy đến, làm xáo trộn cả về mặt tâm lý cũng như tình cảm. Đức Maria vẫn duy trì được khả năng tuyệt vời mà một nhà chiêm niệm lâu năm không biết có thể thực hiện được không. Đó là khả năng đi vào  sâu thẳm nội tâm của lòng mình: “Mẹ luôn nghi nhớ và suy niệm trong lòng” (Lc 2,51).

Đời sống của Mẹ là đời sống của một phụ nữ trong dân Do Thái: cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường… Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự ý thức và suy tư để gắn kết hoàn hảo với Đấng  đã ngỏ lời với Mẹ. Mẹ Maria là mẫu gương nội quan tuyệt vời luôn giữ được sự kết hiệp liên lỉ với Thiên Chúa. Sống thánh Ý Thiên Chúa không phải là việc làm một sớm một chiều nhưng là một tiến trình trải dài trong suốt cuộc đời. Mỗi ngày là một lời mời gọi thúc đẩy Mẹ lên đường trong một tiến trình liên tục của hành vi sống và chọn lựa. Nhờ nghệ thuật nội quan và thái độ sẵn sàng, Mẹ luôn chọn lựa điều làm cho Mẹ lớn lên và trưởng thành hơn trong đức tin, đức cậy và lòng mến. Thánh sử Luca đã tả lại hành trình đức tin Mẹ phải trải qua từ biến cố Sứ Thần hiện ra cho đến khi đứng dưới chân thập giá. Từ những xáo trộn khủng khiếp của một phụ nữ bụng chửa dạ mang lúc sinh con mà không tìm được một  nơi trú ẩn, cho đến những khi phải thất thểu lang thang suốt ba ngày đi tìm con, thế mà Mẹ vẫn “Nhớ và suy niệm trong lòng” (Lc2,51). Với thái độ nội quan liên tục, Mẹ luôn giữ được tâm hồn mở rộng với hoàn cảnh, con  người và với Thiên Chúa: “luôn ghi nhớ và suy niệm” để xem Chúa  muốn gì, và Mẹ phải làm gì để Thánh Ý Chúa được thể hiện. Dò dẫm, lắng nghe, tìm hiểu suy niệm nói lên một thái độ luôn tỉnh thức, năng động và sẵn sàng với sứ mệnh được trao phó.

Sống trong xã hội tục hóa hôm nay, người nữ tu Mân Côi cũng phải đương đầu với nhiều hoàn cảnh, môi trường sống gồm những khó khăn và phức tạp. Nó cũng đòi hỏi một sự cẩn trọng trong lựa chọn mỗi ngày, bởi có những chọn lựa đưa đến một bước tiến, nhưng có những lựa chọn đẩy lùi xuống vực thẳm. Giữa những tinh vi và đa dạng của cám dỗ, giữa những mời gọi êm ái của một lối sống buông thả và dễ dãi, để có thể sống xứng đáng là nữ tu của Chúa, tôi luôn được mời gọi hướng mình lên cao tách mình ra khỏi những gì không phải là ý Ngài. Có khi đó là việc nói không với những mời mọc hấp dẫn nhưng tội lỗi. Có khi đó là việc giữ một khoảng cách với những trò tiêu khiển tầm thường và vô bổ. Có khi đó là việc phớt lờ những điều mà bao nhiêu người khác đang chết mê chết mệt.Sống thánh ý Chúa là lối sống hướng thượng, nỗ lực vươn mình lên cao, trong khi chung quanh luôn có biết bao nhiêu điều muốn kéo ghì tôi xuống. Có khi là một lối sống cứ luôn phải cố gắng để lao mình về phía trước, trong khi chung quanh tôi nhiều người vẫn tàn tàn và lây lất sống theo chủ nghĩa quân bình. Sống thánh ýChúa có khi chỉ đơn giản là việc tôi sống thực với những xác tín mạnh mẽ và cao quý trong thâm sâu tâm hồn mình, trong khi thế giới chung quanh tôi còn biết bao điều tầm thường thô tục. Chắc chắn, lối sống ấy tạo nên một khoảng cách giữa tôi và cuộc đời, giữa tôi và người khác. Nhưng chính khoảng cách ấy mới tạo cơ hội cho những giá trị cao đẹp trong tôi được bùng phát. Giữa vô vàn những tương quan trong cuộc sống, chỉ những người có can đảm và đủ bản lĩnh vững vàng mới có cơ hội để sống lý tưởng cao đẹp mình đã chọn là thực hiện Ý Ngài trong cuộc đời của tôi.

Nhìn ngắm mẹ, dù cuộc sống có vất vả thế nào, Mẹ vẫn thành công trong việc giữ được đời sống thinh lặng và hồi tâm. Ngay trong khi đối diện với lo âu khắc khoải, Mẹ vẫn giữ nguyên tâm trạng : “Hằng nghi nhớ những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Khả năng này bộc lộ Mẹ là Đấng đầy tràn ân sủng, luôn bền tâm khai thác và phát huy sức sống của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Nhờ đó, Mẹ đã được biến đổi một cách sâu xa mặc dù bên ngoài Mẹ vẫn là một người nữ trong thân phận mỏng manh của kiếp người. Nhưng làm sao Mẹ có được khả năng này? Thánh Gioan sẽ minh giải cho chúng ta điều đó.

1.CHÚA THÁNH THẦN KIỆN TOÀN MỌI SỰ NƠI MẸ

Khả năng sống nội tâm ở mức độ tột đỉnh của Mẹ được thánh sử Gioan diễn tả khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, đón nhận người môn đệ đại diện cho một “nhân loại” phản bội, chối bỏ, giết chết Con của Mẹ. Trong tác phẩm “sống Thần Khí”[9] tác giả đã ghi lại những tâm tình của Gioan khi ông “đứng dưới chân thập giá”: “Giờ đây, ngay dưới chân thập tự, trên đó người Thày kính mến của ông đang hấp hối trong tủi nhục, trong tâm trạng bồi hồi và cô độc tột cùng, thì ông nhận ra có Thân mẫu của Thày Giêsu đang đứng cạnh mình. Tự nhiên ông cảm thấy cần phải nép mình bên bà, để được bà đỡ nâng, đồng thời cũng để an ủi bà trong giờ phút vô cùng sầu khổ của một người mẹ nhìn con mình đang hấp hối tức tưởi.  Gioan hình dung tâm hồn của bà chắc hẳn vô cùng cay đắng, như bất cứ bà mẹ nào trong hoàn cảnh tương tự. Lúc đó, ông chỉ mong, trong tư cách đại diện cho các môn đệ, nhất là nhóm Tông Đồ phản bội và nhát đảm, được đứng bên cạnh người mẹ đau khổ, hầu xoa dịu phần nào những cay đắng. Chính lúc ấy Thầy Giêsu quay vẻ mặt đau đớn nhìn về phía ông và thân mẫu Người, thều thào lời gửi gấm lạ lùng: Người xin ông nhận bà làm Mẹ của mình đã đành, mà còn đòi Thân Mẫu của Người phải nhận ông làm con. Về phía mình, ông không thấy có khó khăn gì trong việc nhận bà làm mẹ, vui mừng nữa là đằng khác, và sẵn sàng đưa bà về nhà: “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 27); nhưng ông phải nín lặng, phải kính trọng gần như run sợ trước quyết định của đối tác. Ông linh cảm rằng: “Đòi một người mẹ trong cơn đau khổ tột cùng, đón nhận làm con mình cái nhóm nhát hèn dối Thầy phản bạn như bày đoàn các ông đây, và còn hơn thế nữa, tiếp theo sau các ông là cả một nhân loại phi nhân và bất công đối với con của mình, thì là cả là một đòi hỏi quá sức chịu đựng đối với bất cứ bà mẹ nào. Trước một bà mẹ đang đau khổ như thế, nỗi đau dễ dàng khóa chặt bất cứ tâm hồn nào trong phiền muộn, để rồi, muốn tự giam hãm mình vĩnh viễn trong hận thù và oán hờn (hỉ nộ ái ố mà), vì thế Gioan nhận ra ngay đằng sau cái “thinh lặng” đi theo người môn đệ rước mình về nhà, Thân Mẫu Đức Giêsu đang vận dụng một sức mạnh ẩn tàng ghê gớm lắm, một sức mạnh liên kết và thứ tha chưa từng xẩy ra bao giờ, vượt lên trên mọi thù hận… Đó là sức mạnh của Thánh Thần, chỉ có Thần Khí nơi Thiên Chúa mới có sức liên kết vô địch như thế, mới có đủ khả năng biến một kẻ thù nghịch thành con cái; và hơn nữa buộc một người chấp nhận cừu địch trở thành người nhà thân yêu nhất của mình… Thập giá chính là nơi hoạt động của Thần Khí đạt tới đỉnh điểm, nơi Thiên Chúa qua Người Con chí ái, đã dám đổ đến giọt máu cuối cùng để tiếp nhận một nhân loại tội lỗi trở lại làm con cái mình như thế nào… cũng là nơi, trong tác động mãnh liệt của Thần Khí, Thân Mẫu của Người đã rộng mở con tim từ mẫu để đón nhận loài người bội phản. Mẹ Maria là “Người Nữ Thần Khí” tuyệt hảo hơn hết mọi người qua mọi thế hệ.

Thật vậy, chỉ khi kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, chỉ khi cắm sâu vào nguồn mạch Thánh Linh người ta mới có thể yêu thương tha thứ và cảm thông. Thái độ của Mẹ bộc lộ một sức mạnh vô biên và tiềm ẩn nơi Người nữ xem ra bất lực và yếu đuối.

TÓM LẠI: Từ một thiếu nữ ở làng Nazaret đơn sơ, bé nhỏ, Đức Maria đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến. Ngài đã đưa Mẹ vào trong tương quan mật thiết với Ba Ngôi. Được nối kết với nguồn mạch tình yêu vĩnh cửu, Đức Maria đã để cho mình được Thiên Chúa huấn luyện từng ngày. Dứt khoát chọn Chúa và trung tín với Lời Xin Vâng, cuộc đời Đức Maria đã trở nên hiến lễ vẹn toàn cùng với Người Con Yêu trên thập giá. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần Mẹ đã trở nên Mẹ của toàn thể nhân loại, trong sức mạnh của Đấng Phục Sinh. Giờ đây Mẹ là Nữ hoàng uy quyền trên Thiên Quốc. Mẹ quyền thế và đáng được ca ngợi chỉ sau Chúa Kitô Con Mẹ. Chiêm ngắm Mẹ chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa cũng có một chương trình một kế hoạch cho cuộc đời chúng ta. Ngài đã gọi, chọn và ban cho chúng ta được thừa hưởng gia sản thiêng liêng của Hội Dòng. Tình Yêu, Ân sủng và vinh quang của Chúa cũng đang dành sẵn cho chúng ta. Ngài mong mỗi người biết sử dụng để được chia sẻ vinh quang với Mẹ và các thánh. Tương lai hoàn toàn thuộc về cách sống của mỗi người trong lúc này. Ước gì chúng ta  có đủ khôn ngoan và sáng suốt để nhận ra điều đó. Chúng ta cần phải sống vội, để đừng phí kho tàng vô giá Chúa dành cho chúng ta. Dù sao đi nữa thì thời gian cũng chỉ có hạn, Hội Dòng đang cần đến sự dấn thân của mỗi người, Giáo Hội đang chờ đợi sự đóng góp của chúng ta, Thiên Chúa đang cần sự đồng ý của tôi để giúp tôi hoàn thành sứ mạng đời mình, còn tôi thì sao…?

Clara Nguyễn Thị Thảo, Fmsr

[1] Gs 1, 336

[2] Lc 11, 28

[3] THÁNH MASSIMILINO KOLBE, Đức Trinh nữ toàn thánh , http://www.preghiereperlafamiglia.it/vergine-tutta-santa.htm.

[4] Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh điện toán, vi tính, Internet, wifi… là những yếu tố không những cần thiết mà còn rất quan trọng với mỗi người chúng ta. Người ta thấy rằng Internet đã mang  lại cho nhân loại một kho kiến thức mà không một thư viện, một bộ bách khoa toàn thư hay một hệ thống thư viện nào khác có thể so sánh được. Nhưng Interneet chỉ hoạt động được khi nó được nối với nguồn mạch chính. Nếu không nối được nguồn thì nó cũng chỉ là một công cụ vô dụng….Chúng ta dùng hình ảnh này để liên tưởng đến lãnh vực đời sống thiêng liêng …

[5] Marialis Cultus  số  25.

[6] Lc 1,19

[7] Tội đầu tiên xuất hiện ngay ở ngưỡng cửa lịch sử là tội bất tín và “thiếu sự phó thác” vào Thiên Chúa. Đức Maria Eva mới mạnh mẽ tuyên xưng chân lý sáng ngời về Thiên Chúa: Thiên Chúa chí thánh và toàn năng, Đấng muôn thuở là nguồn mọi hồng ân, Đấng đã làm “những điêù kỳ diệu”… (Redemptoris Mater số 37)

[8] Tôi không chọn cộng đoàn, nhưng Chúa đã an bài và chọn cho tôi. Tôi không chọn môi trường hoạt động, chính Chúa đã trao tất cả cho tôi.

[9] LM NGUYỄN VĂN TY, SDB, Sống Thần Khí,  nhà XB Đông Phương 2016, p.211.

 

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Tinh thần tông đồ nữ tu Mân Côi

Ước mong sâu xa bên trong mọi việc lớn nhỏ chị em Mân Côi làm, đều được liên kết với chính Đấng Vĩnh Cửu...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *