Bước đi trước mặt Chúa trong thực hành sự khổ chế

Chủ đề sống tháng 3 và 4/2020

Có thể nói, việc giữ kỷ luật dòng là một sự khổ chế không thể thiếu trong đời tu, dù ở bất cứ thời đại nào. Riêng với Tổng Công Hội 23 của Dòng, chính nhờ việc tích cực thực hành khổ chế đó mà chị em Mân Côi có thể sống căn tính đích thực của đời thánh hiến.[1] Thế nhưng, sống trong một xã hội có khuynh hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, ít nhiều gì thì người tu sĩ – người được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng, cũng bị ảnh hưởng bởi não trạng của con người thời đại: xem việc thực hành khổ chế là điều gì đó “xa xỉ” hoặc thậm chí không muốn nói đến. Dần dần, sự khổ chế không chỉ trở nên rất “kỳ lạ” với nhiều người, nhưng còn dễ “vắng mặt” trong cả đời tu, từ học tập, công việc, tương quan, cho đến đời sống tâm linh… Phải chăng, điều này đã được thể hiện qua những khuynh hướng: thiếu ý chí vượt khó, đòi hỏi quyền lợi cá nhân, chiều theo những đam mê – sở thích, tìm kiếm sự dễ dãi; hoặc theo ngôn từ của Đức Cha Tổ Phụ, yêu thích “tìm nhẹ lánh nặng”…?

Vậy, làm thế nào để sự khổ chế trở thành “gánh nhẹ nhàng” trên hành trình sống đời dâng hiến của ta? Làm sao để ta có thể sống an vui, tự tại, tràn đầy tự do nội tâm khi có những từ bỏ đụng chạm đến chính ý muốn, sự sở hữu và con tim của ta? Với mục tiêu đạt được sự khát khao nên hoàn thiện, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của sự khổ chế theo tinh thần của Giáo hội và của Đức Cha Tổ Phụ. Nhờ việc thực hành lời dạy của Giáo hội và làm theo ý hướng của Đấng Sáng lập trong bối cảnh hiện tại, ước mong ta có thể bước đi trước mặt Chúa một cách vui tươi và hạnh phúc hơn, đồng thời trở nên quân bình hơn khi sống các lời khuyên Phúc Âm và tuân giữ luật Dòng.

  1. Ý NGHĨA CỦA SỰ KHỔ CHẾ    

Khi nói về ý nghĩa của sự khổ chế, một kinh sĩ đã nói đến giá trị giáo dục như sau:

Sự khổ chế trước hết là sự tập luyện tiêu biểu nhất để rèn luyện ý chí. Chính nhờ sự khổ chế mà chúng ta tập thói quen không chiều theo các đam mê của chúng ta một cách mù quáng, chúng ta kiểm soát được bản thân và chế ngự được chính mình.”[2]

Với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài giải thích:

Khổ chế giúp chế ngự và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá.[3]

Đức Cha Tổ Phụ cũng đã nhấn mạnh:

“Không có sự hãm mình, người ta không thể nào được hạnh phúc” (GS I, 455).

Theo dòng lịch sử, truyền thống Giáo hội đã được đánh dấu bởi những thực hành khổ chế mang tính tận căn và nghiêm khắc. Với một lòng yêu mến Chúa sâu xa, các thánh và các vị ẩn tu đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau để ép mình phạt xác. Ví dụ, đâu đó chúng ta nghe câu chuyện về việc hãm mình bằng cách rắc tro vào cơm. Truyền thống cũng cho hay rằng, những việc hãm mình phạt xác được ví như những phương thế giúp các tu sĩ làm chủ thân xác, đồng thời giúp họ toàn tâm toàn ý hiến mình cho Thiên Chúa! Dĩ nhiên, việc thực hành này là kết quả của một nền thần học cổ xưa, vốn xem thân xác là nguyên nhân làm cho tinh thần sa sút, và do đó, không nên chiều chuộng. Theo truyền thống này, thân xác là nguyên nhân của mọi tội lỗi; vậy để có thể làm chủ thân xác và tránh tội, ta cần hy sinh hãm mình, và thậm chí ép mình phạt xác. Sau Công đồng Vaticano II, những việc hãm mình ép xác như thế dường như đã không còn, vì nó đi ngược lại với một nền thần học mới vốn có cái nhìn tích cực hơn về thân xác.

Có lẽ, con người hôm nay thường giải thích về những hy sinh khổ chế như là những phương thế để làm chủ tâm hồn, tâm trí và thân xác. Hơn nữa, qua việc thực hành sự khổ chế, người Kitô hữu được mời gọi để bước theo Đức Kitô trên con đường thánh giá, cùng chịu đau khổ với Người và vì yêu mến Người. Thật vậy, vì yêu mến Thầy Giêsu, người tu sĩ muốn bắt chước và khao khát chia sẻ lối sống của Người; để nhờ Người và trong Người, họ dâng hiến chính mình làm của lễ sống động cho Chúa Cha. Không có thánh giá, sẽ không có phục sinh, và cũng không có ơn cứu độ. Chọn sống con đường thánh giá là dấu chỉ ta đang bước đi trên con đường Giêsu, bởi Người cũng đi trên con đường này vì tình yêu. Do đó, dù thần học có thay đổi cái nhìn về con người, thì ý nghĩa của việc hãm mình hay khổ chế tự nó vẫn mang ý nghĩa cứu độ và quy Kitô.

  1. PHƯƠNG THẾ 3T CỦA ĐỨC CHA TỔ PHỤ

Tiếp nối tinh thần của Giáo hội, Đức Cha Tổ Phụ khao khát cho chúng ta được nên như của lễ để hiến dâng cho Thiên Chúa, qua những thực hành khổ chế: Tu thân khắc kỷ, từ bỏ ý riêng và tập luyện nhân đức.

 Tu thân khắc kỷ

“Vào nhà dòng cho được tu thân, song hai chữ tu thân phải đi theo hai chữ khắc kỷ” (GS I, 239). Phải chăng, Đức Cha Tổ Phụ nhấn mạnh đến việc khắc kỷ là sự hãm mình, hay ngày nay chúng ta xem đó là sự khổ chế? Theo ngài, sự hãm mình bề ngoài là việc hãm dẹp các giác quan: Mắt đừng xem, tai đừng nghe, miệng đừng nói những điều chẳng đáng nghe hay những điều vô ích, hoặc những điều không cần thì cũng không nên xem (x. GS I, 239).

Thật vậy, Đức Cha đặc biệt lưu ý việc giữ khổ chế về mắt, tai và miệng lưỡi, bởi vì chúng đụng chạm đến chính sự bình an và thinh lặng trong tâm hồn chúng ta. Dù không đi ra khỏi bức tường tu viện, nhưng đôi mắt có thể khiến tâm hồn ta náo động, qua những hình ảnh vô bổ hay những trang web vô nghĩa… Đôi tai có thể làm ta xao xuyến từ những lời xu nịnh, cảm thấy bất an khó chịu khi nghe những lời không hay, hoặc không muốn đón nhận trước một lời góp ý… Miệng lưỡi cũng có khi trở thành một vũ khí làm những tâm hồn khác bị tổn thương, đánh mất sự nhất quán trong ngôn từ, hoặc phá vỡ bầu khí an vui nơi cộng đoàn…

Thực tế cho thấy, không dễ dàng gì để sử dụng đúng mực các giác quan, là những quà tặng của Thiên Chúa ban cho mỗi người, hầu có thể đem lại hoa trái cho mình và cho tha nhân. Thánh Giacôbê đã từng viết: “Tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3, 2a). Thật vậy, đôi lần mắt ta không đủ sáng để thấy những ý nghĩa trong hành động của ai đó; không thiếu những khi đôi tai ta không đủ tinh nhạy để nghe những điều chân thành; hoặc lắm lúc miệng lưỡi ta không đủ kiên nhẫn và khôn ngoan để nói những lời tuy thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, góp ý nhưng đầy bác ái, và chân thật nhưng không gây tổn thương… Tuy nhiên, sự khổ chế trong các giác quan nếu được tỉnh thức và thực hiện thường xuyên, nó chắc chắn sẽ giúp chúng ta tôi luyện một ý chí mạnh mẽ. Ta đồng thời nuôi dưỡng trong mình một phán đoán ngay thẳng; hay một sự bình tâm đủ để có những ngôn từ, thái độ, phản ứng cách phù hợp hơn! Như Thánh Giacôbê khẳng định: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3, 2b)!

  1. Từ bỏ ý riêng

Ngoài những khổ chế bên ngoài, sự khổ chế liên quan đến ý riêng bên trong có thể nói là một việc rất khó khăn. Đức Cha Tổ Phụ đã viết: “Chớ gì chị em được bỏ ý riêng mình cho hẳn thì đó là việc hãm mình nhất hảo”, và ngài cũng nói tiếp: “Lại chẳng có việc hãm mình nào sẵn sàng và đẹp lòng Đức Chúa Trời cho bằng vui lòng chịu lấy mọi sự khó, mọi sự trái ý ta thường gặp hằng ngày, như khi lâm cơn bệnh hoạn, khi gặp rủi ro, khi làm không xuôi việc, khi bị người ta hiểu lầm…” (GS I, 240-241).

Việc từ bỏ ý riêng chắc hẳn có rất nhiều cách và tùy theo hoàn cảnh cũng như tâm tình của mỗi con người, mỗi tu sĩ. Thế nhưng, điều phải học để từ bỏ cách liên lỉ đối với người tu sĩ có lẽ là sự từ bỏ ý riêng ngay trong nếp sống cộng đoàn và trong việc giữ kỷ luật Dòng.

Với sự khác biệt cách đa dạng nhưng phong phú về tính tình và văn hóa, tuổi tác và sở thích, quan điểm và công việc…, mỗi thành viên trong cộng đoàn dễ cảm thấy sự “đụng chạm” cách nào đó. Và, phải chăng ai cũng trải nghiệm rằng, chỉ với một tình yêu đủ lớn, thì bản thân mới có thể đón nhận hoặc chấp nhận sự khác biệt của người khác ? Kinh nghiệm đời sống cộng đoàn cho thấy, để đón nhận sự khác biệt nơi chị em, chúng ta cần lắm một tấm lòng quảng đại, khoan dung, tha thứ, cảm thông, khiêm hạ, kiên nhẫn…

Như thế, sự khổ chế bản thân chính là yếu tố cần thiết giúp ta quên đi chính mình – một cái tôi dễ quy ngã, tự kiêu, tự tôn, tự ái…, để mở lòng tôn trọng và đón nhận chị em với tất cả những khác biệt luôn tồn tại trong các mối tương quan, trong đời sống thường nhật. Sự khổ chế bản thân cũng giúp ta nhìn ra những khác biệt nhưng cá vị nơi chị em chính là quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho cộng đoàn nói chung và bản thân nói riêng. Tuy có những “khác người” hay “khác mình”, nhưng nhờ sự tiết chế bản thân – kiên nhẫn lắng nghe, làm chủ cảm xúc, đón nhận chị em như chị em là…, tất cả sẽ là cơ hội quý báu để ta biết chị em và thấu hiểu mình hơn!

Việc tuân giữ kỷ luật cũng đòi hỏi nơi ta sự chủ động từ bỏ những tính toán riêng. Có những điều ta tuy đã tự nguyện cam kết thực hành, nhưng vì bản tính con người vốn chuộng theo sự dễ dãi, trong ta có chút ngần ngại khi phải thực thi những phép tắc hằng ngày. Sự khổ chế nơi bản thân vì thế sẽ giúp ta:

–    Sự mạnh mẽ để vượt lên tính do dự khi cần phải xin phép;

–    Sự bỏ mình do tuổi tác, bệnh tật để cố gắng đi theo giờ chung trong kế hoạch cộng đoàn;

–    Sự quảng đại để chu toàn một cách tốt nhất bổn phận được trao phó trong âm thầm;

–   Sự tha thứ khi bị hiểu lầm, hoặc sự nhiệt tâm để tạo nên hòa khí nơi những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột trong tương quan…

Chắc hẳn, sự khổ chế trong đời sống cộng đoàn và trong việc giữ kỷ luật không phải tự nhiên mà có, nhưng phải nhờ những tập luyện, khổ công hằng ngày mà ta có thể đạt được những thói quen tốt. Chính những thói quen tốt ấy sẽ hình thành nơi ta một nhân đức cao đẹp, và nhân đức càng lớn thì sự hy sinh đòi hỏi nơi ta càng nhiều!

  1. Tập luyện nhân đức

Xét về khía cạnh luân lý, nhân đức không chỉ tập trung vào việc giúp ta tránh tội, nhưng còn chú trọng đến việc giúp ta trở nên một con người nhân đức, qua sự nỗ lực thực hành các đức tính tốt lành. Dù đang ở giai đoạn nào trong đời tu, mỗi người chúng ta đều được mời gọi làm chủ thân xác mình nhờ nhân đức tiết độ, mạnh mẽ vượt thắng những yếu đuối và thách đố qua nhân đức can đảm, sống trong một mối tương quan đúng đắn với người khác nhờ nhân đức công bình, và đặc biệt là biết phân định cũng như hành xử đúng đắn trong mọi lời nói, hành động qua nhân đức khôn ngoan. Cách riêng, nhân đức khôn ngoan và khả năng phân định rất quan trọng vì giúp ta biết đưa ra những chọn lựa đúng đắn giữa các giá trị trong đời tu của mình. Có thể nói, “nhân đức phân định”, ngoài việc giúp ta lớn lên về nhân cách, nó còn đưa dẫn ta đạt đến sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, bởi ý thức những gì ta thực hiện là sự đáp trả Thánh Ý của Chúa.

Trong tinh thần đó, ngoài đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, Đức Cha Tổ Phụ mời gọi chúng ta khuôn đúc cho mình nhiều nhân đức khác, như kiên nhẫn và nết na, đức khiêm nhường và nhẫn nhịn. Sự khổ chế trong việc tập luyện nhân đức với Đức Cha Tổ Phụ, đó như là một sự kiên trì và thường xuyên, bởi sự trọn lành không phải là việc làm một ngày (x. GS I 97-98, 428).

  1. TẠM KẾT

Lược qua một vài nét về khổ chế trong truyền thống của Giáo hội, chúng ta thấy rằng hình thức của sự khổ chế có nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng không thể thiếu vắng trong đời sống tu trì. Không có sự khổ chế, chúng ta khó lòng sống lội ngược dòng như chính bản chất của đời sống thánh hiến đòi hỏi. Hơn nữa, trong một xã hội có nhiều thách đố về lối sống tiện nghi và sùng bái chủ nghĩa cá nhân, thì sự khổ chế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để giúp ta lướt thắng những yếu đuối nơi thân xác, tôi luyện ý chí kiên trung, làm chủ bản thân và trưởng thành tâm cảm… Tất cả đều nhằm giúp ta đạt tới một con người, một tu sĩ toàn vẹn hơn trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa!

Hy vọng, phương thế khổ chế 3T của Đức Cha Tổ Phụ cũng sẽ giúp chúng ta tuân giữ kỷ luật Dòng tốt hơn, nhờ việc thường xuyên tập luyện nhân đức phân định để có thể chọn lựa sống luật Dòng như là Thánh Ý Chúa. Trong việc thực hành này, chắc hẳn sẽ không thiếu những khó khăn, cám dỗ và thách đố, nhưng nhờ kinh nghiệm luôn hướng về mầu nhiệm thánh giá của Thầy Giêsu, ta có thể vượt qua cách dễ dàng hơn. Và, để có thể tiếp tục bước đi trước mặt Chúa và sống hoàn hảo (St 1,17), ta rất cần ơn Chúa, đồng thời sự cố gắng cộng tác với ân sủng nơi bản thân. Thánh Tôma Aquinô đã từng xác tín: “Ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng kiện toàn bản tính tự nhiên” nơi mỗi người chúng ta. Cách cụ thể hơn, ta xin Ơn Chúa giúp mình trung thành với việc tập luyện một nhân đức cần thiết, hay từ bỏ một tính xấu nền tảng nào đó đang ngăn cản ta sống mật thiết với Chúa và tình nghĩa với chị em.

Sau cùng, xin gửi đến Gia đình Dòng lời cầu nguyện của Thánh Tôma Aquinô:

“Lạy Chúa,

xin ban cho con một ý chí để tìm kiếm Chúa,

một sự khôn ngoan để gặp Chúa,

một đời sống đẹp lòng Chúa,

một lòng kiên trung để chờ đợi Chúa trong niềm tin,

và một niềm tin, để cuối cùng con sẽ chiếm được Chúa. Amen.”

Maria Tố Oanh, Fmsr

[1] Thư chung Tổng Công Hội 23, số 4

[2] LECLERCQ Jacques, Sự Khổ Chế và Sự Không Dính Bén, Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2015, trang 5.

[3] Vita Consecrata số 38.

 

 

 

About dongmancoichihoavn

Check Also

Khi nào tôi được thứ tha?

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *