ĐỨC MẸ HOA HỒNG MẦU NHIỆM
Trong tháng Mười, ngoài danh hiệu Đức Mẹ Mân Côi, còn có một danh hiệu khác của Đức Maria thường được các tín hữu nhắc đến nhiều hơn, đó là Đức Mẹ “Hoa Hồng Mầu Nhiệm – Rosa Mystica”. Trong Kinh Cầu Đức Bà, Giáo Hội xưng tụng Mẹ là Hoa Hồng Mầu Nhiệm, vì Mẹ xinh đẹp tuyệt vời, trổi vượt trên muôn phàm nhân. Mẹ đã được chọn là Bông Hoa đẹp nhất trong vườn hoa của Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn và gìn giữ toàn vẹn, để qua Mẹ, Thiên Chúa thực hiện trong nhân loại biến cố kỳ diệu là đặt Mẹ làm Mẹ của Con Thiên Chúa làm người. Ngoài ra, hoa hồng còn là một loại hoa rất được yêu quý, thường được gọi là Nữ Hoàng, hoặc là Hoa Khôi của các loài hoa, vì vẻ đẹp thanh cao, ngan ngát tỏa hương dịu ngọt, hoa nở quanh năm và là biểu tượng cho tình yêu cao đẹp, trinh trong và thánh thiện, nên ngay từ xa xưa, các tín hữu đã tôn vinh Mẹ Maria với danh xưng “Hoa Hồng Mầu Nhiệm”.
Hoa hồng được biểu trưng cho Đức Maria vì những phẩm tính phong phú của hoa hồng. Dọc theo chiều dài lịch sử của con người, hoa hồng mang nhiều ý nghĩa:
- Trong thần thoại cổ đại, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu.
- Vào thời Trung cổ, hoa hồng đỏ mang một biểu tượng vô cùng thiêng liêng, tượng trưng cho máu của Chúa Kitô, đã hy sinh chịu chết vì tình yêu thương con người. Hoa hồng còn tượng trưng cho chén Thánh hứng máu của Chúa Kitô, hoặc vết thương của Chúa.
- Vào thời đạo Công giáo bị bách hại, người tín hữu đã chọn hoa hồng đỏ làm biểu tượng cho máu của những vị tử đạo.
- Trong truyền thống công giáo, hoa hồng được gắn liền với hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria và hương thơm của hoa hồng được nối kết với “hương thơm thánh thiện của Đức Maria.
Ngoài ra, trong nền văn hóa các dân tộc trên thế giới, sắc màu của hoa Hồng còn biểu trưng cho các nhân đức Kitô giáo[1]:
- Hồng đỏ: tình yêu, kiên nhẫn và tôn trọng
- Hồng tím: chung thủy, tận tâm và sâu sắc
- Hồng trắng: trong sáng, chân thành và thánh thiện
- Hồng cam: lạc quan, cảm thông và tinh tế
- Hồng hồng: bình an, dịu dàng và biết ơn
- Hồng vàng: lòng mến, niềm vui và thành công
- Hồng xanh: hy vọng, đơn sơ và dễ thương
Với những ý nghĩa sâu sắc nêu trên, hoa hồng được xem là một loài hoa rất quý và mang đậm ý nghĩa tâm linh. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ca ngợi “Mẹ là Bông Hoa tươi đẹp nhất trong khu vườn sáng tạo thiên nhiên. Mẹ là Bông Hoa Hồng nở rộ trong thời gian khi Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu như món quà tặng mùa xuân cho trần gian, và đồng thời Mẹ là người có tâm hồn chan chứa sự khiêm nhường, đã đón nhận Chúa Giêsu vào cung lòng mình, là người luôn mở lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần”[2]. Đức Thánh Cha đã muốn nối kết mối tương quan của vẻ đẹp đất trời với vẻ xinh đẹp đáng yêu nơi tâm hồn Mẹ. Khi sánh ví Mẹ Maria như Hoa Hồng Mầu Nhiệm, Giáo Hội không chỉ nói đến sự tươi đẹp và đáng yêu ở dáng vẻ bên ngoài mà nhất là tâm hồn Mẹ dạt dào tình mến Chúa, cuộc đời Mẹ ngát hương trong sạch, thánh thiện và luôn được Thiên Chúa yêu thương, Mẹ là thụ tạo huyền nhiệm của Thiên Chúa. Hơn nữa, Giáo Hội còn muốn tôn vinh tình yêu Thiên Chúa đã dựng nên Mẹ là một Người Nữ hoàn hảo, luôn biết làm vui lòng Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Nói về nhân đức, thì Mẹ Maria là mẫu hình lý tưởng. Bởi Mẹ là tuyệt tác của Thiên Chúa và là tinh hoa của nhân loại. Mẹ đã được Thiên Chúa khoác cho tất cả vẻ đẹp của ân sủng, đồng thời, Mẹ cũng đã góp phần bảo vệ vẻ đẹp của Thiên Chúa ban cho Mẹ bằng cách gìn giữ cho tâm hồn luôn trinh trong, không có bóng dáng của tội lỗi. Những ca từ trong bài Avemaria của nữ tu Trầm Hương diễn tả tâm tình ngợi ca và thán phục vẻ xinh đẹp của Mẹ: Avemaria, Mẹ đóa hồng mầu nhiệm, Mẹ xinh đẹp tuyệt vời, Mẹ huy hoàng lộng lẫy, Mẹ Chúa trời diễm phúc… Thật ra, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được vẻ cao sang thánh thiện của Mẹ, như thánh Bênađô đã nhận xét: “Nói về Mẹ Maria, thì chẳng bao giờ đủ”, nhưng trong tâm tình kính yêu và mến phục, mỗi chúng ta đều được cuốn hút bởi vẻ đẹp cao sang và thánh thiện của Mẹ, và Mẹ đã trở nên mẫu gương cho chúng ta trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ cách ứng xử cho đến thái độ, lời nói và nghĩ suy, vẻ đẹp của Mẹ luôn vững bền và cao quý, một vẻ đẹp để sống, để dâng hiến và để trao ban.
Bước vào tháng Mân Côi, thời gian rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa đối với những người con của Mẹ, chúng ta dành thêm những giờ phút để ở với Mẹ, chiêm ngắm vẻ đẹp nhân đức của Mẹ và họa lại gương sống của Mẹ trong chính cuộc đời của mình qua việc suy niệm và sống các mầu nhiệm Mân Côi. Vì thế, khi cầm lên chuỗi hạt Mân Côi, chúng ta ý thức làm cho đời sống của mình ăn khớp với lời kinh ta đọc, với những mầu nhiệm ta suy cùng với tâm tình yêu mến dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đó chính là chuỗi hoa hồng mầu nhiệm của người con thảo dâng kính Mẹ. Thánh Louis de Montfort nói rằng: «Kinh Mân Côi là hoa hồng của tất cả việc sùng kính mà ta dành cho Đức Trinh Nữ Maria”. Do đó, mỗi khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta đặt vào đó tất cả tâm tình yêu mến và lời ngợi ca xứng đáng, tựa những đóa hồng thiêng dâng kính Mẹ, để cùng với Mẹ, chúng ta tôn thờ và yêu mến Chúa.
Người ta thường gọi: kinh Mân Côi là kinh Hoa Hồng và chuỗi Mân Côi là một triều thiên Hoa Hồng. Mỗi lần đọc kinh Kính Mừng, chúng ta dâng lên Mẹ một đóa hồng; đọc bao nhiêu kinh Kính Mừng, chúng ta dâng Mẹ bấy nhiêu đóa hồng. Như hoa hồng là nữ hoàng các loài hoa, kinh Mân Côi cũng là lời kinh của các tâm hồn có lòng sùng kính Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ cảm nghiệm của ngài như sau: “Từ thuở niên thiếu, lời Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ…. Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó”[3].
Học từ kinh nghiệm của Vị Thánh Giáo Hoàng, chúng ta để cho lời kinh Mân Côi nối kết chúng ta với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Xin cho Chuỗi Hồng thiêng này tựa như máng chuyển thông phúc lành của Chúa xuống trên mỗi người chúng ta và trên toàn thế giới.
Marie Rose Vũ Loan, FMSR
[1] Tháng Hoa Dâng Kính Mẹ, Ý nghĩa các loài hoa, Tập sách sưu tầm của nhiều tác giả
[2] ĐTC Bênêđictô XVI, chia sẻ trong buổi Kinh Truyền tin ngày 09-05-2010
[3] KMC 2