ĐỨC MARIA – NỮ TỲ CỦA THIÊN CHÚA
Đức Maria được Tin Mừng nói đến từ biến cố truyền tin. Đây là biến cố quan trọng mở đầu chương trình nhập thể, nhập thế của Đức Giêsu. Tuy là biến cố khởi đầu rất quan trọng, nhưng biến cố ấy đã xảy ra trong một tình huống rất đơn sơ, mà thánh sử Luca đã kể lại: (mời đứng)
“Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.“Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. “Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kià bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.” (Lc 1, 26-38).
Vào 6 tháng trước cuộc truyền tin cho Đức Maria, thì ông Dacaria – một tư tế cũng được sứ thần Gabrien truyền tin cho trong một lần ông được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Đang lúc dâng hương, bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối và sợ hãi. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng sẽ được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời…Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được sự ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” Sứ thần đáp: “Tôi là Gabrien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi… “Khi thời gian phục vụ ở đền thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1, 9-25).
Hai cuộc truyền tin: một cho ông Dacaria, một cho Đức Maria, tuy cùng được báo tin bởi tổng lãnh thiên thần Gabrien, sứ thần của Thiên Chúa, nhưng cuộc truyền tin cho ông Dacaria đã được thực hiện trong đền thờ Giêrusalem nguy nga, tráng lệ, ở nơi cực thánh huy hoàng, giữa buổi lễ dâng hương rất trang nghiêm, quan trọng, và có sự tham dự cầu nguyện của hàng tư tế và đông đảo dân chúng. Ông Dacaria lại thuộc hàng tư tế được trọng vọng, có tên tuổi, và hôm ấy là ngày vô cùng trọng đại và vinh dự cho ông, vì được dâng hương cho Thiên Chúa ở nơi cực thánh hầu như chỉ xảy ra một lần trong đời cho một tư tế.
Khác với Dacaria, Đức Maria chỉ là một cô thôn nữ bình dị, sống với gia đình nghèo khó ở một ngôi làng bé nhỏ; cuộc truyền tin lại xảy ra tại nhà, không người chứng kiến, không được báo trước, không chuẩn bị, nên không hương trầm nghi ngút, cũng chẳng rực rỡ nến hoa; buổi truyền tin lại rất âm thầm, đơn giản, chỉ có hai người: sứ thần Gabrien và Đức Maria. Trong cuộc truyền tin, Đức Maria đã không chờ đợi bất cứ sự gì cho riêng mình, trong khi Dacaria mong đợi và khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho ông một đứa con; Đức Maria được thiên sứ đến tận nhà, còn Dacaria phải vào tận nơi cực thánh của Đền Thờ mới gặp được thiên sứ. Đức Maria, với sự hồn nhiên, phó thác của một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa khi ngài hỏi thiên sứ: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34), trong khi Dacaria do dự, nghi ngờ khi chất vấn thiên sứ: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18).
Sự khác biệt giữa Đức Maria và tư tế Dacaria là mức độ của niềm tin vào Lời Thiên Chúa. Đức Maria đã tin lời truyền tin và lời xác quyết của thiên sứ: “Không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa”, còn Dacaria đã không tin rằng khi mình già, vợ mình lớn tuổi mà còn có thể có con như lời sứ thần vừa loan báo. Vì thế, ông đã bị câm cho đến ngày Gioan chào đời, đó như một dấu chỉ của sự cứng lòng không tin lời sứ thần “sẽ ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20). Tất cả những khác biệt giữa hai cuộc truyền tin đã đưa đến một kết luận cuối cùng rất quan trọng, và cũng là điều kiện để mầu nhiệm Thiên Chúa đến với con người được thực hiện, đó là câu trả lời của Đức Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).
Khi Mẹ thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” thì lời này đã quyết định tương quan của Mẹ với Thiên Chúa. Đó là tương quan của người nữ tỳ khiêm tốn chỉ biết vâng lời chủ, và suốt đời Mẹ đã hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa để nhiệm cuộc cứu độ nhân loại của Thiên Chúa được thực hiện. Lời xin vâng của người nữ tỳ Maria đã xác định lẽ sống và đường sống của Mẹ. Bằng chứng là ngay từ buổi truyền tin, Mẹ đã chỉ phục vụ Thiên Chúa và làm những gì Thiên Chúa muốn Mẹ làm. Và Mẹ đã bắt đầu sống lời xin vâng của người nữ tỳ Thiên Chúa bằng việc hối hả lên đường đến với người chị họ Elisabet trong cung cách hồn nhiên và khiêm tốn, với tinh thần phục vụ của người tôi tớ. Dù không được người chị họ báo tin vui hay mời tới nhà, nhưng ngay khi được sứ thần báo tin rằng bà Êlisabét, người họ hàng với Mẹ, “tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1, 36), thì Đức Mẹ đã nhanh chóng lên đường thực hiện cuộc thăm viếng và ở lại nhà chị để thi hành công việc của người nữ tỳ Thiên Chúa. Là nữ tỳ của Chúa, Mẹ đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến nơi Thiên Chúa muốn, như Đức Giêsu, Con của Mẹ, đã luôn được Thánh Thần hướng dẫn. Và không chỉ đến những nơi Thiên Chúa muốn, mà còn đến để chúc tụng Thiên Chúa, ông chủ tốt lành của Mẹ, như trong kinh Magnificat Mẹ đã hớn hở cất lên khi gặp chị họ Êlisabét: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 46-48).
Tiếp đến, Mẹ đã sống lời xin vâng của người nữ tỳ Thiên Chúa khi đã khiêm tốn câm lặng trước sự nghi ngờ của thánh Giuse, chồng mình, vì trước khi hai ông bà về chung sống, Mẹ đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18), và Mẹ đã tuyệt đối tín thác vào ông chủ là Thiên Chúa, Đấng sẽ giải cứu mình khỏi hoàn cảnh éo le, khó khăn và nan giải. Sau cùng, với lời xin vâng của người nữ tỳ Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận mọi cơ cực, khổ đau từ lúc sinh Đức Giêsu trong hang bò lừa, đem con đi trốn lệnh truy lùng của vua Hêrôđê, đến những ngày lạc mất con ở Giêrusalem, rồi tháng năm dong duổi đi truyền giáo với bao nhiêu chống đối, đe dọa bao vây con mình, và cuối cùng là đường Thánh Giá lên Núi Sọ, ở đó Mẹ đã đứng nhìn con yêu dấu chịu đóng đinh, chết tức tưởi như người tôi tớ đau khổ bị bỏ rơi của Thiên Chúa. Thật vậy, với lời thưa Xin vâng, Đức Maria đã thể hiện đúng thái độ và cung cách sống của một người nữ tỳ khiêm tốn và tuyệt đối vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong suốt cuộc đời Mẹ.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, thái độ và cuộc sống người nữ tỳ Thiên Chúa của Đức Maria đã nhắc nhở chúng con rằng: điều quan trọng trong khi phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại không phải là “được làm gì và làm được gì,” nhưng là thái độ làm việc của một người tôi tớ biết mình vô dụng, bất xứng, và chỉ biết làm điều ông chủ muốn mà thôi (Lc. 17, 10).
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, cách đây gần 20 năm, vào ngày 03-10-2003, Tỉnh Dòng Truyền Tin của chúng con được thiết lập. Khi chọn danh hiệu “Truyền Tin” cho Tỉnh dòng mình, hẳn các bề trên cũng muốn cho các chị em trong Tỉnh dòng trở thành nữ tỳ của Thiên Chúa để phụng sự Chúa trong ơn gọi Mân Côi. Bởi vì, danh hiệu “Truyền Tin” là danh hiệu “Tôi tớ của Đức Chúa”. Danh hiệu “Tôi tớ của Đức Chúa” thường được Kinh thánh áp dụng cho những người được Thiên Chúa chọn để thi hành sứ vụ Chúa trao. Vì thế, khi đã là thành viên của Tỉnh Dòng Truyền Tin, mọi chị em trong Tỉnh dòng đều lãnh nhận một sứ vụ như nhau là trở nên người nữ tỳ Thiên Chúa và thi hành công việc mà ông chủ là Thiên Chúa trao ngang qua các bề trên. Vậy nên, chúng ta cần bắt chước Mẹ Maria mà mạnh dạn thưa lên rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Chính khi chị em biết mặc lấy thái độ và tâm tình của người nữ tỳ chỉ biết làm đẹp lòng Chúa hơn cả, thì Danh Chúa được tôn vinh, và Danh Chúa chỉ được tôn vinh nơi những người khiêm nhường, biết kính sợ Chúa, biết vâng lời bề trên và biết tôn trọng chị em mình, chứ không ở “những phường lòng trí kiêu căng”, và “những ai quyền thế” (Lc 1, 51-52). Đàng khác, nếu chị em thiếu tâm tình và thái độ của người nữ tỳ Chúa, chúng ta có thể rất nhiệt thành với việc Chúa, nhưng lại trở nên độc đoán, độc tài, cứng cỏi, lạnh lùng, kiêu hãnh, tự mãn tự phụ đối với anh chị em, và nhất là thay vì đóng đinh con người cũ của mình vào thập giá, ta lại thản nhiên và vô cảm ném đá, đóng đinh anh chị em mình. Quả thật, chị em Mân Côi thuộc Tỉnh Dòng Truyền Tin chỉ trở nên xinh đẹp giống Mẹ của mình khi mỗi người biết sống một cuộc đời của người Nữ tỳ Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria mến yêu, trong ngày mừng bổn mạng Tỉnh Dòng, cũng là bổn mạng của mỗi người chúng con, chúng con cúi xin Mẹ thương bầu cử và dạy từng thành viên biết sống đời Nữ Tỳ Chúa như Mẹ.
Xin Mẹ dạy chúng con biết tin vào Lời Thiên Chúa như Mẹ, vì có tin vào Lời Thiên Chúa thì chúng con mới trở thành nữ tỳ Thiên Chúa được. Mẹ đã bắt đầu hành trình đức tin bằng khiêm hạ để có thể tuyệt đối tin vào Lời Thiên Chúa phán, vì Mẹ biết người kiêu ngạo khó tin vào lời người khác, kể cả Lời Thiên Chúa nói với họ, và bà chị họ Êlisabét đã nhận ra điều này ở Mẹ khi kêu lớn tiếng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Thật vậy, chỉ người khiêm hạ biết mình chẳng làm được gì, nếu không dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa; chỉ người khiêm tốn biết mình không xử lý được những khó khăn, trắc trở, bế tắc, vì non nớt, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, mới tin vào Lời Thiên Chúa, mới bám chặt vào Thiên Chúa, Đấng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Lạy Mẹ Maria mến yêu của con, nếu Đức Giêsu đã vào đời làm người qua cung lòng Mẹ, và tập tễnh những bước chân đầu đời nhờ bàn tay yêu thương dẫn dắt, nâng đỡ của Mẹ, thì chúng con đây cũng không thể bước trên hành trình theo Chúa, nếu không đi với Mẹ, không được Mẹ đồng hành, dậy bảo. Bởi vì, nếu không đi với Mẹ, chúng con không thể biết Đức Giêsu là ai; không ở với Đức Mẹ, chúng con không thể biết Đức Giêsu muốn gì nơi mình; không noi gương sống của Mẹ, chúng con không thể trở nên người nữ tỳ đích thực của Đức Giêsu; không bám chặt lấy Đức Mẹ, chúng con không thể đứng vững trước sức mạnh cuồng phong của thế gian, và tất nhiên, không có Mẹ đồng hành, chúng con không thể bình an tiến bước trên đường Hiệp Hành. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.
Mai đệ liên, Fmsr
(trích giờ nguyện gẫm Lễ Truyền Tin – 25/03/2023)