“Con đường Maria” trong đại dịch Covid-19

CON ĐƯỜNG MARIA” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

QUA DỤ NGÔN “NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU” (Lc 10, 30-37)

Tôi là người thân cận của ai? Phải chăng đây là câu hỏi chạm đến lương tâm của tôi và của rất nhiều người? Tôi là ai qua hình ảnh các nhân vật trong dụ ngôn? Là người nữ tu Mân Côi, tôi đã “trông thấy” và “thực hành” như thế nào “con đường Maria” là linh đạo Mân Côi khi đối diện với rất nhiều “người bị nạn” trong cơn đại dịch Covid-19 đang xảy ra trên thế giới, và nhất là trên đất nước Việt Nam chúng ta?

  1. Trông thấy:

Mở đầu dụ ngôn, Đức Giê-su bắt đầu: “Một người từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô” (c.30). Khi người này đi từ Giê-ru-sa-lem xuống, anh ta bị nạn dọc đường, bị kẻ cướp lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nữa chết. Người bị nạn đang ở trong tình trạng nguy kịch cả về tinh thần và thể xác, nhưng chắc chắn người này chưa chết. Khi ấy, tình cờ có những người đi qua: Thầy tư tế, thầy lê-vi và người Samari. Đức Giê-su đã đặt một tình huống tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu, không cần để ý, nhưng thực ra đó là mấu chốt để nhận ra sự hờ hững hay lòng tốt của con người. Thái độ của con người với người bị nạn, hay dấu hiệu nhận biết người thân cận cũng được nhận ra trong câu đầu tiên này.

Điểm chung trong 2 nhân vật: thầy Tư tế và Lê-vi là “trông thấy, tránh qua, và bỏ đi” (c.31; 32). Tại sao vậy? Tại sao 2 nhận vật này lẽ ra phải tỏ lòng thương xót, chăm lo cho người bị hại vì 2 người này được ví như là những người của Thiên Chúa, là những người phụng vụ đền thờ, là những người luôn có sự yêu thương, lòng trắc ẩn…trong lời giảng của họ. Nhưng lý do gì mà 2 người này đã né tránh, bỏ người xấu số này mà đi? Phải chăng vì họ sợ bị “ô uế”, bị liên luỵ? Hay vì một lý do nào đó?

Nhận dạng tôi trong 2 nhân vật này: 2 nhân vật này được thánh sử Luca miêu tả đã hành động giống nhau khi gặp người bị nạn: “trông thấy, tránh qua, và bỏ đi”. Việc “trông thấy” thì chắc hẳn ai đi qua con đường này cũng đều trông thấy người bị nạn đang trong tình trạng nguy kịch như thế nào. Có lẽ 2 vị này nhận thấy tình trạng của người bị nạn này là nguy kịch nhưng chưa chết, nên họ đã tránh qua và bỏ đi. Phải chăng đã không ít lần tôi cũng hành xử như 2 vị này?

Việc “trông thấy” đối với người Samaria phát xuất từ một lương tâm nhạy bén, một cái nhìn rất tinh tế, thấu hiểu tình trạng của người bị nạn. Đây là một cái nhìn mà Đức Giê-su muốn người môn đệ của Ngài thực hành cho những người xung quanh của mình. Thiết nghĩ rằng, đây là cái nhìn mà tôi, người nữ tu Mân Côi, cần phải trau dồi và thực hành để sở hữu được nó. Nếu không có cái nhìn này thì tôi chẳng biết làm gì với những người xung quanh, vì không nhận thấy được tình trạng và nhu cầu của họ. Và cụ thể hơn, nếu không có cái nhìn này thì tôi không thể sống trọn vẹn căn tính của người nữ tu Mân Côi của mình. Khi ấy tôi không thể ấn nút khởi động cho đặc sủng và linh đạo dòng Mân Côi ở giữa thế gian đầy dẫy “người bị nạn” này. Chính cái nhìn này làm cho con tim của tôi biết xót thương, đồng cảm, và chia sẻ với những người xung quanh. Quả thật, để trở thành người môn đệ của Chúa, thì phải bắt đầu với cái nhìn tinh tế này, cái nhìn mà chính Đức Giê-su đã nêu gương cho mỗi chúng ta. Ngài luôn thấy được nỗi thống khổ, tình trạng tội lỗi, và sự khát khao được giải thoát của con người. Điều này đã được Đức Giê-su minh chứng rõ ràng trong cuộc đời thi hành sự vụ của Ngài. Ai cũng có thể nhìn được (nếu mắt người ấy khoẻ mạnh), nhưng không phải ai cũng thấy. Nhiều khi mọi người đều thấy, nhưng không phải ai cũng hành động theo cái thấy của mình. Đây chính là trường hợp của thầy Tư tế, thầy Lê-vi, và có thể cũng là của tôi, của mỗi người chúng ta nữa. Là nữ tu Mân Côi, tôi được mời gọi có cái nhìn vào chính bản thân mình. Vì chính tôi cũng được Thiên Chúa “trông thấy” và Ngài xót thương đem về băng bó, chăm sóc, chữa trị. Tôi cũng đã là, và vẫn là những người bị nạn trên đường, nhưng nay được khoẻ mạnh phần nào nhờ tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Thiên Chúa cũng mời gọi tôi nhìn vào thân phận của mình mà biết “trông thấy” những người xung quanh và những nhu cầu của họ. Thiết nghĩ, để sống tinh thần đức ái trọn hảo “kính Chúa ái nhân”, sống và tương quan với người khác bằng tình yêu, lòng thương cảm và sự tha thứ thì tôi nên bắt đầu với những sự “trông thấy” này, để nhờ đó tôi sẽ phát huy và thực hành được những điều mà tôi đã kinh nghiệm từ con tim yêu thương của Thiên Chúa.

  1. Thực hành:

Sau khi nhìn thấy tình trạng nguy kịch của người bị nạn, thầy Tư tế và Lê-vi và đã làm gì? Hai vị này đã “tránh qua mà đi”. Không biết cảm giác của người bị nạn lúc ấy như thế nào khi nhận thấy mình bị xa lánh, và bị bỏ rơi? Chắc hẳn anh ta rất đau khổ, đau khổ cả về tinh thần và thể xác. Sự đau khổ này chắc hẳn mỗi chúng ta chưa thể hình dung và tưởng tượng ra, vì có lẽ mỗi chúng ta chưa rơi vào tình trạng thê thảm như người bị nạn này. Vì những người bỏ mặc anh ta là những người anh em, những người đã cùng với anh ta cầu nguyện trong đền thờ. Thầy Tư tế và Lê-vi không có lý do gì, để biện minh cho hành động thiếu tình người của mình. Chỉ vì “họ thiếu tình người, thiếu tình yêu thương đồng loại” đã làm cho họ trở nên ích kỷ với người khác, lạnh nhạt với những người xung quanh, và thờ ơ với những nhu cầu của những anh em mình.

Quả thật, tôi cũng cần phải có cái nhìn như 2 vị Tư tế và Lê-vi: nhìn thấy, và thấu hiểu người khác cũng như hoàn cảnh của họ. Nhưng tôi không thể giống như 2 vị này, chỉ dừng lại ở việc “nhìn thấy” mà không làm gì hay không thể “trông thấy” rồi khoanh tay đứng nhìn, hoặc tệ hơn là bỏ đi, mà không có một chút vướng bận của lương tâm. Tình yêu của người nữ tu Mân Côi là một tình yêu luôn hiện hữu, một tình yêu luôn được thể hiện bằng hành động, luôn ở trong tư thế sẵn sàng để lên đường, một tình yêu đã được kinh nghiệm, được lãnh nhận, và tình yêu ấy phải được chia sẻ với những người xung quanh. Tôi ý thức rằng, tôi không phải là người ban phát, vì tôi không có gì ngoài những thứ mà tôi lãnh nhận từ Thiên Chúa một cách trực tiếp hay gián tiếp, nên tôi được mời gọi luôn biết chia sẻ với người khác trong niềm vui hân hoan, và một trái tim rộng mở. Tôi cần biến những xúc cảm của con tim bằng những hành động cụ thể, biến tình yêu thành phương thuốc hữu hiệu có thể chữa lành tất cả các vết thương cho người bị nạn. Đó là điều mà Đức Giê-su muốn tôi, người môn đệ của Ngài diễn tả trong đời sống đức tin của mình. Qua đó, mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Người Samari: người Samari đã làm gì khi trông thấy người bị nạn?

Người Samari cũng “trông thấy” người bị nạn giống như thầy Tư tế và Lê-vi. Nhưng khi “trông thấy” rồi, anh ta đã làm gì?

Khi trông thấy, thì ngay lập tức người Samari “chạnh lòng thương”, lại gần, đổ dầu và rượu, băng bó vết thương, đặt lên lưng lừa, đem về quán trọ, tận tình chăm sóc. Người Samari này là người xa lạ với người bị nạn, còn thầy Tư tế, và Lê-vi là người anh em của người bị nạn nhưng đã không làm gì cho người bị nạn.

Khi viết đến đây, và suy nghĩ về người Samaria và những hành động của anh ta, cũng như suy nghĩ về mình,  tôi nhận thấy, dù mình có tốt và hoàn thiện như thế nào, hay dù có sống triệt để theo linh đạo của Hội dòng đi nữa thì cũng không thể trở thành một “người Samaria” trong dụ ngôn này được. Bởi vì người Samari này chính là Đức Giê-su, là Thiên Chúa. Và hơn nữa, vì là con người nên tôi cũng có nhiều những yếu đuối và bất toàn. Do vậy, có thể nói hình ảnh người Samaria trong dụ ngôn này là một mẫu gương tuyệt hảo cho tôi, để nhờ đó, giúp tôi sống đặc sủng và linh đạo của Hội dòng một cách triệt để hơn.

 Một cách thế để trở nên giống người Samaria trong dụ ngôn này là hãy ra đi và trở nên người thân cận với những người cần chúng ta giúp đỡ. Giúp đỡ ở đây không chỉ là vật chất, nhưng chính là tình người, giúp đỡ bằng tình yêu mà mỗi chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Thiết nghĩ, nếu làm được như thế, thì chúng ta sẽ ngày càng trở nên giống người Samaria trong câu truyện này.

Linh đạo của dòng Mân Côi là “Với tinh thần đức ái trọn hảo, chị em Mân Côi cùng Mẹ Maria, sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người.” Để làm cho đức ái trọn hảo của Thiên Chúa được nhận biết khắp mọi nơi, mỗi chị em Mân Côi phải đứng dậy lên đường như Đức Giê-su đã nói: “hãy đi và làm như vậy”. Đức cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, viết cho các Tập sinh tiên khởi của Dòng là phải sống tinh thần đức tin và lòng mến đối với Chúa: “Ta đi đâu, ở đâu, ta cũng hằng nhớ Chúa trước mặt… Dù không ai thấy, ta cũng bảo mình có Chúa thấy..”… Ta muốn đi đàng giọn lành, thì tiên và phải tập đức mến Chúa; và trong mọi việc ta làm, mọi lời ta nói, mọi sự ta lo, thì hãy làm, nói, lo chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi” (trích trong Vào Nhà Tập Làm Gì, GSD trang 213, 216). Ngài đã khám phá ra được phương dược chữa lành những đau khổ, những vết thương của con người, đó chính là tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Và mẫu gương cho chị em Mân Côi sống đức ái trọn hảo để mang ơn cứu độ đến cho mọi người chính là Mẹ Maria. Noi gương Mẹ Maria, chị em Mân Côi luôn có tinh thần lên đường để mang tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người, ở khắp mọi nơi. Đó là thái độ chủ động để trở nên người thân cận của mọi người như lời Đức Giê-su muốn nói với mỗi chúng ta trong dụ ngôn này. “Hãy đi và làm như vậy”.

Nhìn vào tình trạng của con người trong thế giới ngày nay, đặc biệt là trong cơn đại dịch Virus Corona-19 đang hoành hành trên thế giới và nhất là ở Việt Nam, nơi mà Hội Dòng chúng ta đang hiện diện, chúng ta được mời gọi “trông thấy” tình trạng của mình và của “người bị nạn” trong cơn đại dịch này. Vì không chỉ riêng họ, mà cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đang phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh và cả sự chết nữa.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết được hằng ngày trên đất nước chúng ta, có hàng ngàn người nhiễm bệnh, hàng trăm người chết, biết bao nhiêu cảnh gia đình ly tán vì bị cách ly và chết chóc do dịch bệnh gây ra. Chắc chắn chúng ta không chỉ “nhìn thấy” mà cũng đang “chạnh lòng thương” với những hoàn cảnh và số phận kém may mắn, và bất hạnh này. Trong hoàn cảnh này, Thiên Chúa luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta hãy “về và làm như vậy”, nghĩa là hãy đứng lên và làm cho mình trở thành “người thân cận” của những “người bị nạn” này. Hội dòng Mân Côi đã có rất nhiều hành động “chạnh lòng thương”, chẳng hạn: chia sẻ lương thực cho người nghèo, có nhiều chị em xông pha trong những bệnh viện dã chiến, dấn thân trong đời sống cầu nguyện cùng với Giáo Hội để cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chóng được kiểm soát và chấm dứt, tích cực trong việc thực hành 5K và tiêm vaccine,… Những hoạt động này đang làm cho đặc sủng và linh đạo của Hội Dòng ngày càng trở nên sống động, và căn tính của mỗi thành viên Mân Côi ngày càng trở nên tỏ hiện và được nhận biết ngày càng rõ hơn.

Nguyện xin Mẹ Maria, luôn đồng hành và cầu cùng Chúa Giê-su, Con Mẹ, ban cho chúng ta ơn soi sáng, can đảm, hiệp nhất, và nhất là ban cho chúng ta có được một con tim biết nhạy cảm với nỗi khổ đau của nhân loại, để chúng ta cùng đứng lên làm cho mình trở thành “người thân cận” của mọi người. Nhờ đó, mà đức ái trọn hảo của Thiên Chúa được biết đến và được đón nhận ở khắp nơi. Thiết nghĩ, đây chính là cơ hội để chúng ta nhìn đến những vết thương của chính mình, và nhất là nhìn vào tình yêu và sự chữa lành mà Thiên Chúa hằng thực hiện nơi chúng ta trong mỗi phút giây của cuộc sống. Từ đó, nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh thần, chúng ta can đảm sống mầu nhiệm cứu độ qua việc trao ban tình yêu, lòng thương xót của Chúa đến mọi nơi và mọi người, nhất là “những người bị nạn” trong cơn đại dịch này.

Xin kết thúc bài chia sẻ với “Kinh Tận Hiến” mà mỗi chị em Mân Côi đã quen thuộc: “Lạy Mẹ diễm phúc, Mẹ đã được Chúa Cha tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế và đã được tham dự vào công trình cứu độ của Người. Xin Mẹ giúp chúng con bước theo Mẹ trên hành trình cứu độ của Chúa Giêsu, trong tinh thần khiêm hạ, bác ái, nghèo khó, vâng phục và trung thành; luôn nhiệt tâm dấn thân rao giảng Tin mừng và giới thiệu khuôn mặt sáng ngời của Đấng Cứu Thế cho mọi người…” Amen.

Maria Thánh Tâm

About dongmancoichihoavn

Check Also

An tĩnh nội tâm

hãy thường xuyên tìm về nơi thâm cung của cõi lòng mình, vì chính trong nơi thanh tịnh này, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một Tình Yêu...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *