CHIỀU SÂU CUỘC ĐỜI
Sinh-tử, hai đầu mối của một đời người và hai đầu mối ấy gói gọn tất cả những thăng trầm, vui khổ, được mất và thành bại trong cuộc sống. Đời người mong manh và ngắn ngủi! Thánh vịnh 90 đã chỉ cho thấy sự mau qua của đời người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”[1]. Cũng bởi vì chiều dài cuộc đời mong manh và ngắn ngủi, nên chúng ta cần quan tâm đến chiều sâu cuộc đời bằng việc trân trọng và sống thật ý nghĩa từng giây phút được ban cho, đồng thời cũng biết tổ chức đời sống thế nào để kế hoạch đời mình luôn nằm trong ước mơ của Thiên Chúa.
Người ta thường ví hành trình dương thế như một con thuyền trôi trên sóng nước, con thuyền càng nhẹ, càng lướt đi dễ dàng. Nếu chúng ta chất quá nhiều thứ lên đó, con thuyền có thể bị lật chìm giữa dòng. Cuộc sống cũng vậy, muốn đến bờ bên kia của cuộc đời một cách suôn sẻ, chúng ta phải kịp thời giảm bớt những gánh nặng vô bổ cho con thuyền đời mình, để chỉ giữ lấy những gì thực sự có giá trị, mang lại ích lợi cho mọi người cũng như cho bản thân. Cuộc sống có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải bận tâm, bám víu, mệt mỏi và nhiều lúc rơi vào sự vô định, không biết sống để làm gì? Vậy, để có một lối sống nhẹ nhàng, thanh thoát và khôn ngoan, chúng ta cần loại bớt những gì không cần thiết để có thể trải nghiệm ý nghĩa đời mình một cách sâu sắc hơn. Muốn được thế, chúng ta cần tập trung vào những điều quan trọng, những gì làm cho phẩm chất đời sống được nâng lên một tầm cao mới và những gì thực sự mang lại giá trị tốt đẹp. Đây cũng là cách chúng ta chu đáo chuẩn bị cho hành trình tương lai và nhất là cho cuộc sống mai sau của mình.
Một cuộc sống hữu ích chắc chắn không phải là một cuộc sống chỉ lo tập trung vào mình, vào công việc hay sở thích của mình… nhưng còn là sự quan tâm đến người khác và hạnh phúc của họ với tinh thần trách nhiệm sẻ chia, giúp cho mọi người được thăng tiến và sống hạnh phúc. Mahatma Ganhdi đã nói: “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”. Câu nói này thách đố chúng ta về một lối sống không phải chỉ để nhận lãnh cho mình mà còn là để hiến tặng cho tha nhân. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu có một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà cao quý”. Vậy, chỉ có sự rộng mở của một trái tim yêu thương mới làm nên ý nghĩa tròn đầy của món quà mà ta muốn hiến tặng.
Từ ngày được sinh ra, chúng ta đã đón nhận món quà sự sống cùng với sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, đã thừa hưởng biết bao ân phúc diệu kỳ, từ lãnh vực tâm linh, tinh thần đến vật chất của những người đi trước, đã tận hưởng quá nhiều và không thể đếm được những thành quả đến từ công sức của biết bao người. Vì thế, từ chiều sâu của sự cảm nhận và lòng biết ơn, chúng ta thấy mình cần có một khát vọng cống hiến bằng việc không để tâm trí vướng bận bởi những điều vô nghĩa hoặc không cần thiết, mà phải chú tâm vào những gì làm nên ý nghĩa và đem lại giá trị tích cực cho cuộc sống mọi người. Albert Einstein nói rằng: “Những điều giá trị đích thực xuất phát từ yêu thương và từ những cống hiến cho nhân loại”. Yêu thương, một ngôn từ rất đẹp, rất hấp dẫn và là một phẩm tính cao quý nhưng cũng rất khó thực hành. Nhưng chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Lời mời gọi này nhắc nhở chúng ta để ý học hỏi thái độ của Chúa Giêsu đối với những người đương thời như sự quan tâm, lòng nhân từ, thương xót, tha thứ… để soi chiếu vào mối tương quan của chúng ta đối với những người chung quanh. Chỉ cần một chút yêu thương cũng đủ vực dậy bao nhiêu cuộc sống. Chỉ cần một chút yêu thương, chúng ta sẽ trở thành cầu nối liên kết giữa người với người. Chỉ cần một chút yêu thương, chúng ta sẽ không ngần ngại hiến tặng những món quà mình rất yêu quý như thời giờ, công sức, khả năng, niềm vui, sự hiểu biết… Yêu thương, nghe có vẻ truyền thống và xưa cũ, nhưng cũng rất hiện đại và văn minh, mà bất cứ ai được đón nhận, cũng thấy trong đó cả một thể nghiệm thiêng liêng và mới mẻ, với những cung bậc cảm nhận rất phong phú cùng với bao nhiêu sắc thái đa chiều.
Sinh vào thế gian, mỗi người chỉ có một cuộc đời, một tâm hồn, một thể xác. Vậy, chúng ta đang sống cuộc đời mình thế nào? Tôi có là người chủ động khơi nguồn yêu thương hay đang mải mê rượt đuổi những điều xa lạ và mâu thuẫn để tình yêu vuột khỏi tầm tay? Trước sự cuốn trôi mải miết của thời gian, tôi có đang ưu tiên cho những điều thật sự quan trọng và cao quý? Có lẽ, một lối sống đơn giản hóa sẽ cho chúng ta nhiều thời gian và cảm hứng để tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa. Danh-lợi-thú luôn là một quyến rũ và là một thứ gây nghiện, chỉ khi nào tránh xa được sự hấp dẫn của nó, chúng ta mới tiếp cận và phát huy được những giá trị đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Khi phản tỉnh câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta tự hỏi: phần tôi, tôi cần làm gì để những người chung quanh tôi có một đời sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn? Vâng, chắc chắn chúng ta phải đi vào trong thế giới của Chúa để trải nghiệm cuộc sống cùng với Chúa, và khi ở bên Chúa, chúng ta biết cách đem những tâm tình, lời nói, hành động và cung cách ứng xử của Chúa vào đời của mình để tiếp xúc, gặp gỡ những người chung quanh. Đó là cách chúng ta làm cho cuộc sống này thêm cao đẹp và có ý nghĩa hơn.
Cách riêng đối với những ai đã bước chân vào bên kia sườn dốc cuộc đời, chúng ta càng hiểu giá trị cốt lõi của đời sống con người nằm ở đâu? Dù chúng ta vẫn đang bước đi trên con đường đã chọn, và trên mỗi bước đi, chúng ta cũng đã rất thận trọng để bước sao cho đúng. Nhưng thật ra, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp điều thuận ý; không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bước đi trên nẻo đường mình muốn. Đau thương và thất bại vẫn luôn ẩn hiện trên từng bước chân, nhưng dù có thế nào, thì mỗi cố gắng vươn lên sẽ là một kinh nghiệm tích lũy. Vấp ngã luôn là cơ hội để rèn luyện sự đứng lên và cũng là cơ hội đưa chúng ta đi vào chiều sâu cuộc đời, từ đó, chúng ta dễ dàng nhận ra điều quan trọng hơn của toàn bộ đời sống.
Xin cho tình yêu của Chúa và tha nhân được lớn lên mỗi ngày trong trái tim và trong cuộc sống chúng ta, để mỗi ngày và từng giây phút qua đi, chúng ta có thêm thời gian gieo trồng ý nghĩa vào cuộc sống của mình và của mọi người.
Marie Rose Vũ Loan, FMSR
[1] Tv 90, 9-10