CÁI CHẾT, MỘT KẾT THÚC BÌNH THƯỜNG
Vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông: những người còn sống dưới thế, các thánh trên trời và các linh hồn nơi luyện ngục đều thông công với nhau trong một Giáo Hội duy nhất. Việc tôn kính các thánh và cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời nói lên tâm tình biết ơn, lòng hiếu thảo và tình bác ái của chúng ta, đồng thời đó cũng là việc giúp ta gẫm suy về cùng đích cuộc đời để cố gắng nên hoàn thiện cuộc sống hôm nay, hầu mai sau được hưởng hạnh phúc bên Đấng Hằng Sống.
Chết, một kết thúc bình thường cho mọi cuộc sống. Bất cứ cuộc đời nào cũng có thủy có chung, có ngày bắt đầu và ngày kết thúc. Nhưng trong thực tế, có mấy ai dám nghĩ đến cái ngày mình phải vĩnh viễn chia tay với tất cả mọi người. Ý niệm về cái chết của bản thân mỗi người vẫn là một “điều không ai muốn nói tới”, hoặc nếu có nói tới thì chỉ như một điều gì đó còn rất xa và ở bên ngoài. Sự thường là thế, nhưng đối với một kitô hữu, chúng ta không thể quên lời cảnh báo của thánh Phaolô: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5.10).
Lời thánh tông đồ Phaolô dạy chúng ta khi sống hãy nghĩ đến cùng đích cuộc đời cùng với những gì sẽ xảy ra trong ngày phán xét. Việc nhận thức cuộc sống trần gian chỉ là tạm gửi sẽ giúp chúng ta thay đổi cách nhìn các giá trị trần thế. Chúng ta sẽ không quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm những vương miện tạm thời với những thành công hay nổi tiếng như thế gian thường đánh giá, nhưng là biết dùng thời giờ để “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33), và làm những việc hữu ích cho tha nhân. Sách Giảng Viên đã khẳng định tính chất ngắn ngủi, tạm bợ và chóng qua của cuộc sống trần gian: “Cuộc đời chúng ta trên dương thế chẳng khác gì bóng câu” (Gv 8, 9). Thánh Giacôbê thì cho rằng đời người chỉ như hơi nước thoảng bay: “Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai ra sao? Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát rồi lại tan đi” (Gc 4, 14). Và lời Thánh Vịnh cũng dạy cho biết cuộc sống trần gian dù có tươi đẹp như cỏ hoa, cũng mau tàn phai theo làn gió thoảng:
“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như nội cỏ hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong,
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.
(Tv 103, 15-16)
Các câu Kinh Thánh trên đây cho thấy điểm đến của con người không phải là nơi nào vững chắc trên mặt đất này mà là Quê Trời vĩnh cửu, nơi Chúa Giêsu đã hứa sẽ chuẩn bị cho chúng ta: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho các con… để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Ga 14,2-3).
Muốn đến nơi Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn, chúng ta cần chuẩn bị hành trang cần thiết cho cuộc trở về này bằng cách luôn tỉnh thức và sống đúng với nghĩa vụ phải chu toàn hàng ngày. Cuộc sống trần thế, dù là thời gian tạm gửi nhưng nó rất quan trọng cho hạnh phúc mai sau, vì nó chính là lộ trình dẫn chúng ta đến cửa thiên đàng. Cuộc sống mai sau tùy thuộc vào cách sống, vào những tích lũy và đóng góp của chúng ta trong cuộc trần này. Vì tương lai nằm trong hiện tại và đời sau đã tiềm ẩn trong đời này, nên “sống sao thì thác vậy”. Nghĩa là nếu sống đẹp, chúng ta sẽ có một kết thúc tốt đẹp. Nếu sống vui chúng ta sẽ được chết vui.
Mỗi chúng ta, kẻ trước người sau, sẽ lần lượt kết thúc hành trình của mình, nhưng đoạn cuối hành trình sẽ diễn ra thế nào? Đó là chuyện riêng của mỗi người.
Có người thực hiện cuộc hành trình trong sự an bình, vui vẻ.
Có người chỉ thấy buồn sầu trong suốt chuyến đi.
Có người đã trở nên bạn thân của mọi người.
Có người lại sống ích kỷ, chỉ quan tâm những gì thuộc về mình.
Có người khi ra đi đã để lại nỗi nhớ thương cho mọi người.
Có người lại ra đi một cách đơn độc, không một người thân thiết bên cạnh.
Như vậy, mỗi người chắc chắn sẽ có một kết thúc phù hợp với cách sống của mình trong cuộc đời này.
Một chấm hỏi lớn cho mỗi chúng ta là không ai biết được mình sẽ tới đích khi nào? Chúng ta cũng chẳng biết được lúc nào chị em của ta hay những người thân yêu sẽ kết thúc hành trình của họ. Nhìn vào những người chung quanh, ta thấy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau: có người đang yêu đời, trước mắt là một tương lai tươi sáng, nhưng họ lại phải giã từ tất cả để vĩnh viễn ra đi; có người vừa khởi sự cuộc hành trình đã phải kết thúc ngay; có người chỉ muốn chấm dứt cuộc đời vì bệnh tật hoặc vì những đắng cay nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng họ vẫn phải sống; có người luôn khao khát nhìn thấy cánh cửa thiên đàng, nhưng lại phải kiên nhẫn chờ đợi tới phiên của mình vì không ai có thể tự chọn lấy ngày tháng đó cho mình. Khi nghĩ về cái “buổi tiệc tàn” của đời mình, có lẽ mỗi người sẽ mang một tâm trạng khác nhau và có lẽ mỗi người cũng có những chuẩn bị khác nhau.
Đã làm người thì phải chấp nhận một định luật chung như tất cả mọi người. Cái chết, dù ta có muốn đón nhận hay không, nó vẫn xảy đến. Chết là phần kết của đời sống. Cho dù cái chết được cảm nghiệm như một thách đố, một đau đớn, nhưng đối với những người có đức tin, họ vẫn tiếp nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng phục sinh bằng cách mở rộng con tim tự do, để vượt qua những thách đố của cuộc đời như một cơ hội cần thiết để thanh luyện và để trắc nghiệm tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chính niềm hy vọng được phục sinh với Chúa sẽ chắp cánh cho họ vượt qua muôn nẻo đường gian khó cuộc đời để trở về với Nguồn Cội của mình là Thiên Chúa.
Chính trong khát vọng ấy mà Tagore đã dâng lên Thượng Đế những lời kinh tha thiết:
“Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Nguyện đời con phiêu du
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn Thiên Đường”.
Khi nói về cái chết của mình, Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói: “Thầy bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16, 28). Cái chết như thế là một sự quy tụ, một sự trở về bên Đấng Sinh Thành ra mình. Chúng ta có thể nói rằng, mỗi người, sau khi chết sẽ được trở về nơi “Trung tâm” của mình và tất cả được gặp lại nhau, không kể thân quen hay xa lạ. Tại chốn “Thiên Đường vinh phúc” ấy, mỗi người đều vượt qua cái dị biệt của mình để hình thành một cộng đoàn yêu thương, một gia đình. Nguyện xin cho tất cả chúng ta có được cái ngày gặp lại nhau trong “Tổ Ấm Thiên Đường”. Chúng ta cầu chúc cho nhau thực hiện chuyến đi cuộc đời thật tốt đẹp và tới bến bình an.
Marie Rose Vũ Loan, FMSR