Bằng cả tấm lòng

BẰNG CẢ TẤM LÒNG

Đi học về, bé Subi 6 tuổi thấy mẹ đang bận rộn trong bếp, em lại gần và hỏi:

  • Con chào mẹ, mẹ đang làm gì đó?

Mẹ cô bé trả lời:

  • Mẹ đang làm món thịt hầm cho bác Semai hàng xóm chúng ta.
  • Nhưng sao mẹ phải làm như vậy ?  
  • Vì bác Semai đang rất đau buồn; con gái bác vừa qua đời, và giờ đây trái tim của bác đang tan vỡ đó con ạ! Chúng ta cần phải quan tâm đến bác ấy một chút.
  • Sao lại phải thế hả mẹ?
  • Như con thấy đó, khi ai đang đau buồn, đang rất đau buồn, họ sẽ không tha thiết đến bất kỳ chuyện gì nữa, ngay cả những công việc hằng ngày như nấu bữa ăn hay những việc lặt vặt khác. Vì chúng ta đang sống chung với nhau trong một cộng đồng. Vả lại, bác Semai còn là hàng xóm của nhà mình nữa, nên chúng ta lại càng phải làm gì đó để giúp bác ấy. Bác sẽ chẳng bao giờ còn có thể nói chuyện với con gái mình được nữa, bác ấy sẽ chẳng còn có thể ôm con gái vào lòng và cũng không thể cùng con gái mình làm những công việc tuyệt vời khác như bao bà mẹ và các con gái của họ thường cùng làm với nhau. Con là đứa trẻ thông minh, phải không Subi? Có lẽ con sẽ nghĩ ra cách nào đó để tỏ lòng quan tâm đến bác Semai được không?

Bé Subi suy nghĩ về lời mẹ nói, và cô bé cố gắng tìm cách giúp bác Semai. Ít phút sau, bé đến gõ cửa nhà bác. Bác Semai ra mở cửa cho bé Subi và khẽ nói:

  • Chào cháu, Subi! 

Bé Subi nhận thấy giọng nói của bác Semai không vang lên những âm điệu quen thuộc như em vẫn thường nghe thấy trước kia khi bác lên tiếng chào ai đó. Bé còn thấy mắt bác đỏ mọng và sưng lên, chắc chắn bác ấy phải khóc nhiều lắm.

  • Có chuyện gì không vậy, cháu Subi?
  • Mẹ cháu nói rằng con gái bác vừa mất và bác đang rất vô cùng đau buồn với trái tim tan vỡ.

Rồi bé ngập ngừng xoè bàn tay ra. Trên tay bé là một miếng băng dán vết thương, bé nói tiếp:

  • Cháu nghĩ cái này sẽ có ích cho trái tim tan vỡ của bác.

Bà Semai sững người và cảm động đến trào nước mắt. Bà ngồi xuống, ôm chặt bé Subi vào lòng. Qua làn nước mắt bà nói:

  • Cám ơn cháu. Bác rất cám ơn cháu. Món quà này của cháu sẽ giúp cho bác nhiều lắm.

Bà Semai đón nhận cử chỉ nhân ái của Subi, và không chỉ đơn thuần đón nhận, bà còn tỏ ra rất trân trọng tặng vật chia sẻ nỗi buồn của em. Bà mua một móc đeo chìa khóa nhỏ có gắn một khung ảnh bằng thủy tinh, vừa dùng để treo chìa khóa, vừa để đặt ảnh người mình quí mến trong gia đình vào đấy. Bà Semai đã đặt miếng băng dán vết thương của bé Subi vào trong khung ảnh, để mỗi lần nhìn thấy nó, bà như được nhắc rằng: hãy gắng sức chữa lành vết thương lòng của mình. Bà cũng hiểu rõ rằng, để làm được việc này, cần phải có thời gian và được nâng đỡ về mặt tinh thần.  Miếng băng dán vết thương của bé Subi tặng cho bà đã trở thành một biểu tượng giúp bà vơi đi nỗi đau buồn, trong khi không quên đi những niềm vui và tình yêu mà bà đã từng chia sẻ với con gái mình.

Trong tầm nhìn của bé Subi, một con tim đang bị thương thì phải băng bó. Đó là tất cả những gì bé nghĩ ra được, nên bé đi lấy băng dán vết thương mang sang cho bác! Có một chút ngộ nghĩnh trong cách suy nghĩ ngây thơ của bé về trái tim tan vỡ của bác hàng xóm, nhưng thật cảm động! Bác Semai đã nhận được từ bé Subi, không phải là những lời an ủi khôn ngoan, những ngôn ngữ về triết lý cuộc sống, mà chỉ là một việc làm nhỏ bé, thoạt nhìn qua có vẻ vô nghĩa, nhưng lại có một sức sống mãnh liệt, đó là “tấm lòng” của Subi, là tình thương của bé. Mẹ Subi đã động viên con mình, và miếng băng dán vết thương của bé Subi đã trở thành một biểu tượng giúp bác Semai vơi đi nỗi buồn, cho niềm đau được xoa dịu.

Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi con cái mình tưởng niệm, chiêm ngắm và tri ân Tình Yêu tự hiến của Đấng đã tự nguyện vâng ý Chúa Cha, xuống trần gian chia sẻ thân phận làm người để dẫn đưa nhân loại về bến nguồn ơn cứu độ. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn chạnh thương và đồng cảm với con người trước cuộc sống lao đao vất vả, cả về thể xác lẫn tinh thần, và Người đã dùng mọi phương cách để chữa lành những tổn thương cũng như những đau khổ tinh thần và thể xác của con người, để trao ban một tình yêu cho đến cùng, yêu mãi, yêu vô hạn, và như thánh Phaolô, không có thời điểm nào để chấm dứt hay chia rẽ được tình yêu của Chúa Giêsu đối với con người (x. Rm 8, 38-39). Khi xuống thế, Chúa Giêsu đã mang trái tim như con người, nhưng lại là một trái tim rất thánh, trái tim ấy đã đem lửa yêu thương vào trần gian và Người hằng mong muốn cho lửa ấy bùng lên mãnh liệt (x. Lc 12, 49).

Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta quyền sở hữu một trái tim trong suốt thời gian làm người, và Chúa mong cho trái tim chúng ta cùng chung nhịp tình yêu với trái tim của Người, để chúng ta được ở lại trong tình thương của Người (x. Ga 15,9). Chúa không muốn chúng ta lãng phí một giây phút nào cho sự ích kỷ, thờ ơ, phân rẽ hoặc ghét ghen. Vậy, chỉ khi nào trái tim của chúng ta được ẩn sâu trong trái tim Chúa, thì những tâm tình của Chúa mới thấm nhuần và điều chỉnh mọi tâm tình cũng như cuộc sống của chúng ta. Ai có đủ yêu thương mới có những tâm tình đẹp, lời nói tốt và hành động hướng về hạnh phúc của người khác. Cuộc sống này không thiếu những nỗi đau về bệnh tật và tai ương, nhưng có lẽ nỗi đau đến từ một trái tim lạnh giá là đáng sợ hơn cả. Những đau thương hoạn nạn đều có thể khắc phục bằng tình người sẻ chia, bằng những phương tiện y khoa hay khoa học tân tiến, nhưng một trái tim vô cảm thì chỉ tạo ra những tâm hồn tan vỡ. Tình thương thì cao quý, vĩ đại nhưng lại thường ẩn dưới những điều bình dị và gần gũi, nhưng rất đáng yêu như cách cư xử của cô bé Subi. Mỗi con người là khác biệt, từ quan điểm, địa vị đến phong cách sống, nhưng ai cũng cần đến tấm lòng của nhau, một tấm lòng mang sự hiện hữu của tình thương và sự có mặt của nụ cười. Đó là điểm chung nối kết và cũng là phương thuốc chữa lành. Thiên Chúa đã tạo nên một thứ cốt yếu trong tâm hồn mỗi con người, đó là tấm lòng. Vậy, cuộc đời này sẽ tươi đẹp hơn và con người sẽ hạnh phúc hơn khi biết sống với nhau bằng cả tấm lòng. Điều kỳ diệu đối với con người qua mọi thời đại vẫn mãi là sự hiện diện của một tình yêu, một tấm lòng, đó là toàn thể những gì nhân ái, thiện lành và sâu sắc nhất mà con người dành cho nhau.

Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy đến và học với Chúa, vì Chúa có tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 28-29). Học nơi Chúa sự hiền hậu và khiêm nhường bằng việc đi vào trường học của Chúa để được Chúa tinh luyện trong tình yêu, để có một tấm lòng chất chứa những tâm tình thánh thiện. Có tấm lòng như Chúa là có trái tim luôn đồng nhịp yêu thương với trái tim của Chúa, không bị lỗi nhịp bởi những hơn thua, đố kỵ, hận thù. Trái lại, luôn hướng tầm nhìn về người khác, trao tặng điều tốt đẹp và cho họ một chỗ dựa bình yên. Để có tấm lòng như Chúa, chúng ta cũng phải thường xuyên mặc lấy cung cách hành xử như Chúa, để có được những điểm tương đồng với Chúa trong tâm ý và hành động. Mẹ Têrêsa Calcutta nói rằng: “Hãy trở nên nét nhân hậu của Thiên Chúa, nhân hậu trên nét mặt, nhân hậu trên khóe mắt, nhân hậu nơi nụ cười. Hãy luôn cho đi nụ cười hạnh phúc, cho lũ trẻ, cho đám dân nghèo, cho tất cả những ai đang khổ đau, đang đơn độc. Đừng chỉ cho họ những chăm sóc thôi, nhưng cũng cho họ luôn cả trái tim mình”.

Để có tấm lòng nhân hậu như Chúa, chúng ta cần biết trái tim của mình đang ở trong tình trạng nào và bắt đầu một cuộc chẩn đoán chuyên sâu với bác sĩ Giêsu, nhằm tìm ra nguyên nhân nào đã tạo ra tình trạng hiện tại của mình, đồng thời nhận ra trái tim của mình đang có vấn đề gì để biết hướng phải điều trị thế nào? Lời hứa của Chúa thật đáng tin cậy: Ta sẽ ban tặng cho con quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng. Ta sẽ bỏ đi khỏi con quả tim bằng đá và thay thế bằng một quả tim biết yêu thương (x. Ez 36, 26).

Vâng, lạy Chúa, xin chữa lành và thay đổi tấm lòng cứng cỏi của chúng con được trở nên mềm mại, để chúng con biết nhạy bén với ơn đổi mới của Thánh Thần mà điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên cho cuộc đời mình.

Maria Rosa Vũ Loan, FMSR

About dongmancoichihoavn

Check Also

khám phá và chữa lành bản thân của mình... “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”

Trả lời