MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA LỜI KHẤN NGHÈO KHÓ
1. LỜI CHÚA (2Cr 8, 9)
Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.
2. SUY NIỆM
Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa chọn gọi, đi vào con đường hẹp, con đường mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm người và đã sống. Đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa chúng ta đã thưa hai tiếng “Con đây” để bước theo sát Chúa Kitô hơn, sống thân tình với Chúa hơn, nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm. Khấn khiết tịnh chúng ta dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa với một con tim không chia sẻ; khấn nghèo khó chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là kho tàng đích thực và chọn Người là sản nghiệp duy nhất của đời mình; khấn vâng phục chúng ta dâng trọn vẹn con người cùng tất cả tự do ý chí cho Thiên Chúa và đón nhận thánh ý Thiên Chúa như lương thực hằng ngày cho đời sống.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của lời khấn nghèo khó, cùng nhau nhìn lại ý nghĩa và mục đích của lời khấn này, hầu khơi lên trong lòng chúng ta niềm hăng say ban đầu để tiến bước; để bắt đầu lại sau những lần mệt mỏi, uể oải, hời hợt, bất trung; để làm mới lại tình yêu dành cho Chúa bằng một quyết tâm sống lời khấn cách trung thành, ý nghĩa, và trọn vẹn hơn.
Về lời khấn Nghèo khó, Hiến Luật Dòng số 9.2 đã xác định: Đời sống nghèo khó của chị em Mân Côi có một ý nghĩa và giá trị sâu xa hơn khi chị em sống nghèo khó trong tinh thần, chỉ lo tìm kiếm kho tàng trên trời. Điều này giúp chị em tín thác nơi Thiên Chúa như những thụ tạo của Người, được tự do nội tâm, siêu thoát khỏi mọi vinh quang và của cải trần thế, để mở rộng lòng với chúa và tha nhân.
Vâng, trước mặt Chúa, con xin nhìn lại hành trình sống nghèo khó của bản thân qua những năm tháng sống trong lời khấn. Đâu là mục đích và ý nghĩa lời khấn nghèo khó mà chính bản thân con đã cam kết với Chúa?
1) Sống nghèo khó giúp tôi ý thức rõ hơn về thân phận mình
Kinh Thánh đã họa lên hình ảnh rất thật về thân phận hư vô của con người: Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm (Tv 8, 5) hay “Ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về với đất bụi” (St 3, 19).
Trước hết, sống nghèo khó là cách thế tốt nhất để tôi đón nhận và ôm lấy thân phận thụ tạo của mình như một món quà, để sống trọn vẹn ý nghĩa thân phận thụ tạo hư vô. Nghèo khó còn được ví như chiếc bình rỗng “chẳng có gì, chẳng là gì”. Cũng như thân phận “không có gì , “không là gì” nơi tôi, tất cả những gì “tôi có”, “tôi là” đều do Chúa ban cho. Thế mới thấy rõ con người tôi đây luôn được sống trong tình yêu, trong lòng thương xót, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.
Chúa đã làm giàu chiếc bình rỗng nơi tôi bằng ân sủng của Người, nhưng tôi lại vơ vào mình bao nhiêu tham, sân, si nơi những thụ tạo trần gian; tôi đã lấp đầy mình bằng sự chiếm hữu, bằng những ước muốn, những dính bén với của cải chóng qua đời này, khiến tôi lại càng lộ rõ cái tôi thiếu thốn, cái tôi bất toàn, cái tôi sa ngã trong thân phận của mình.
Khi tôi bước vào hành trình dâng hiến và tự nguyện chọn lối sống nghèo khó, theo gương Chúa Giêsu, thì tôi có được cái nhìn và cách sống chân thật về chính phận nghèo nơi mình. Khi tôi càng rèn luyện sự nghèo khó toàn diện, tinh lọc cõi lòng khỏi những dính bén thế gian thì tôi lại càng có một con tim tự do, thanh thoát cho ân sủng Chúa đổ vào. Xin cho con biết ý thức tự luyện sống nghèo khó: Không những dám sống nghèo về của cải mà còn sống nghèo về cảm quan nghĩa là từ bỏ những thị hiếu; dám sống nghèo về mặt tình cảm nghĩa là dâng hiến trọn vẹn cho Chúa; dám sống nghèo về trí tuệ nghĩa là không kiêu căng, tự mãn về khả năng của mình mà sẵn sàng phục vụ, chia sẻ với tha nhân; dám sống nghèo về mặt ý chí để tự nguyện trao nộp tự do của mình để được tháp nhập vào thánh ý Chúa… Được như vậy thì thật “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì nước trời thuộc về anh em” (Lc 6, 20).
2) Sống nghèo khó để chiếm hữu kho báu nước trời
Tìm kiếm cho được kho tàng nước trời chính là ý nghĩa cốt lõi và giá trị sâu xa của lời khấn nghèo khó. Nhờ sống nghèo khó, tôi thanh thoát với của cải trần gian để tự do hoàn toàn hướng về Chúa vì chính “Ngài là gia nghiệp và kho tàng đời tôi” hầu mỗi ngày một thăng tiến hơn trên con đường hoàn thiện.
Chúng ta cùng chiêm ngắm nét đẹp trong cái nghèo mà Chúa Giêsu khi làm người đã sống: Một Chúa Giêsu vốn dĩ giàu sang phú quý, quyền năng nhưng đã tự ý chọn mang lên mình mọi sự nghèo khó của con người, để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta trở nên giàu có. Sự giàu có ấy giúp chúng ta thẩm thấu được một chân lý thâm sâu và cảm nhận sâu xa về con người thật của mình. Chúa Giêsu đã mặc cho sự nghèo khó một ý nghĩa tròn đầy nhờ lòng mến yêu và tự nguyện. Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương tuyệt vời cho mỗi chúng ta noi theo trong cuộc đời dâng hiến:
– Ngài sống nghèo để kêu mời chúng ta tự do đón nhận thiếu thốn, bách hại về mọi phương diện để thật sự cậy dựa vào Thiên Chúa bằng sự trống rỗng và hư không của mình.
– Ngài sống nghèo để kêu mời người tu sĩ chúng ta sống nghèo, mang lối sống nghèo của mình dấn thân vào một thế giới tục hóa, hưởng thụ để làm chứng cho một Đức Giêsu trần trụi và tự hủy hoàn toàn.
– Ngài sống nghèo khó để kêu mời chúng ta làm chứng về đức nghèo khó bằng sự đơn sơ, vui tươi, siêu thoát, qua đó mọi người nhận ra giá trị của đức nghèo khó và giá trị vĩnh cửu đời sau.
– Ngài sống nghèo không những mời gọi chúng ta khước từ tất cả những gì cồng kềnh, cản lối mà còn mời gọi chúng ta chấp nhận từ bỏ “Cái Tôi” của mình, từ bỏ “ý riêng”, những ước muốn, những tương quan không phù hợp với đời sống Thánh hiến.
Sống đức nghèo khó là thách đố cho mỗi chị em Mân Côi hôm nay. Chúng ta cần ý thức chiến đấu mỗi ngày trước những cám dỗ khiến chúng ta dễ lạc vào mê cung của hưởng thụ, lệ thuộc vật chất. Tình yêu vào Thiên Chúa sẽ trở thành động lực giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, cám dỗ. Khấn nghèo khó tự nó không lớn lao gì với sự từ bỏ của Đức Giêsu nhưng Thiên Chúa lại coi sự từ bỏ này là điều vô cùng quý giá, là của lễ tinh tuyền dâng lên Ngài. Ước gì chúng ta luôn biết “vét rỗng” lòng trí chúng ta khỏi những ham muốn, để Chúa “rót đầy” lòng chúng ta sự hiện diện của Chúa.
3) Sống nghèo khó giúp tôi tín thác vào Chúa hơn
Hiến Luật Dòng số 10.2 đã cho chúng ta thấy rõ niềm tín thác vào Chúa khi sống nghèo khó như sau: Chị em biểu lộ đức nghèo khó trong việc sống cần cù thanh đạm, chấp nhận nếp sống nghèo cả về tinh thần và vật chất; coi tiền bạc, của cải vật chất là hư vô để không bận tâm đến việc kiếm tiền, tích trữ tiền của… trong niềm tín thác vào sự quan phòng của Chúa (x. HLD 10.2). Thật vậy, “Kho tàng của ta ở đâu thì lòng trí ta ở đó” (Mt 6, 21). Thực vậy, chỉ khi tôi dứt khoát, không để lòng mình dính bén với kho tàng dưới đất, không để lòng mình bị cuốn vào lối sống thực dụng, không để lòng mình bị bận tâm đến tiền tài danh vọng… tôi mới có thể toàn tâm toàn ý tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa, tích lũy cho mình những thẻ vàng để được vào Nước Trời.
Những thẻ vàng của đức nghèo khó trong hành trình bước theo Chúa trên đường dâng hiến, diễn tả sự tin tưởng, phó thác hoàn toàn nơi bàn tay quan phòng của Chúa được biểu lộ qua nhiều khía cạnh nơi đời sống của tôi:
– Trao phó tương lai của tôi vào tay nhà dòng. Nối gót lối sống của Chúa Giêsu không nơi bám víu, không nơi nương tựa đến nỗi “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Vì lý tưởng cao đẹp tôi đón nhận: không có công ăn việc làm ổn định, không làm đúng chuyên môn, không làm theo sở thích, không có sự nghiệp, không mái gia đình riêng, không tích trữ cho tương lai… mà sẵn sàng sống vô sản như Chúa Giêsu, sống nay đây mai đó như Chúa Giêsu. Điều cần thiết là tôi cần biết sống trọn giây phút hiện tại, sống hết mình, hết tình cho nơi tôi được sai đến, cho chị em chung sống, cho tha nhân tôi phục vụ.
– Sẵn sàng đón nhận mọi sứ vụ hội dòng trao phó, không ngại khó ngại khổ. Điều nay khiến tôi được thanh thoát, nhẹ nhàng khi rời nhiệm sở cũ, an vui hăng hái khi đến nhiệm sở mới trong niềm tin yêu phó thác, đó là vẻ đẹp của tinh thần nghèo khó – chấp nhận từ bỏ, không để mình dính bén với những mối tương quan, những nơi chốn thân thuộc, và hơn thế nữa là siêu thoát trước những thành công, những kết quả của công tác mà tôi đã tốn công gầy dựng…
Đâu là nguồn mạch, là động lực cho niềm vui, lòng hăng say nhiệt huyết, sẵn sàng dấn bước trên mọi nẻo đường truyền giáo của tôi? Chẳng phải đó là nhờ lòng trông cậy, phó thác đặt hoàn toàn nơi Thiên Chúa sao. Bởi tiền bạc, của cải vật chất, tiện nghi, quyền thế, danh tiếng… chỉ là gió thoảng mây bay, phù vân nối tiếp phù vân, tất cả chỉ là phù vân (Gv 1, 1). Điều đáng quý nhất và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của một kiếp người là quê trời, nơi có nguồn vui và hạnh phúc đích thực.
4) Sống nghèo là sống trọn đức ái
Lời khấn nghèo khó còn mang chiều kích yêu thương bác ái, đó là sự chia sẻ. Trước tiên sự chia sẻ từ những chị em trong dòng. Tôi chia sẻ với cộng đoàn tất cả tài sản, lợi tức của mình (x. HL 10.3), sự chia sẻ ấy dần mở rộng ra với thiên nhiên, với tha nhân xung quanh. Khi tôi sống nghèo khó cách đích thực là tôi đã sống trọn linh đạo đức ái Mân Côi. Tôi trở thành cánh tay nối dài đắc lực của Chúa qua việc chia sẻ và trao ban những ơn đã được lãnh nhận, không chỉ vật chất mà hơn nữa là đức tin, nhân đức, tri thức, văn hóa, văn minh… Trong tình liên đới với tha nhân đặc biệt là với người nghèo.
Quả thật, để sống đức nghèo khó như Chúa đòi hỏi, tôi phải trở thành một người nghèo thực sự, với nếp sống nghèo tự nhiên và đơn giản:
– Một tinh thần sẵn sàng phục vụ mọi người cách vô vị lợi.
– Một nếp sống hòa điệu với thế giới tự nhiên cách trân trọng, giữ gìn.
– Một lối sống khiêm nhường trong lời nói, cách cư xử, đón nhận yếu đuối của mình và tha nhân để thông cảm, thấu hiểu và yêu thương nhau.
– Một con tim luôn biết tỉnh thức, nhạy bén để nhận ra hàng triệu con tim đang sống trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt, để đồng cảm và sẻ chia.
– Một tấm lòng quảng đại tha thứ cho nhau trong tình yêu, như Đức Thánh Cha Phanxico đã chia sẻ với giới trẻ: Tình yêu làm nghèo chúng ta đi, nhưng cái nghèo ấy là hạt giống tinh hoa kết quả và đem lại tình yêu cho tha nhân. Như vậy, cái nghèo đã trở nên chứng tá cho một tình yêu luôn muốn chia sẻ.
Khi chúng ta thực sự sống lời khấn nghèo trong một lương tâm trong sáng, một lòng yêu mến và sự tự nguyện sẽ giúp chúng ta luôn biết phản tỉnh.
– Phản tỉnh để ý thức được ý nghĩa của cái nghèo và thấy được những đòi hỏi của việc sống nghèo theo Tin Mừng.
– Phản tỉnh để ý thức rằng mục tiêu sống nghèo là để chia sẻ, để thể hiện đức ái.
Như vậy, những ràng buộc của lời khấn nghèo không trói buộc hay áp đặt chúng ta vào những chi tiết vụn vặt, để rồi đi tìm sự bù trừ hưởng thụ, nhưng làm cho đời tu triển nở viên mãn trong sự thanh thoát và nhẹ nhàng. Và như vậy, chúng ta mới sống được tinh thần nghèo cách triệt để, có được sự tự do đích thực mà hiến thân trọn vẹn phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
André Nguyễn Thị Ánh Mai, fmsr – Viện Khấn Tạm
(trích nguyện gẫm dịp nhắc lại lời khấn 2023)